Ngày Đức Phật thành đạo - 8/12 âm lịch
Giáo pháp của Đức Phật có giá trị miên viễn: sơ thiện, trung thiện và hậu thiện
Theo Phật giáo Bắc truyền, ngày Thành đạo diễn ra vào ngày mùng 8 tháng 12 âm lịch.
Sau khi vượt thành xuất gia, Sa môn Cù Đàm trải qua nhiều năm tháng tầm sư học đạo và khổ hạnh nơi rừng già, mục đích tìm ra con đường thoát ly sinh tử. Ngài đã thọ giáo nơi các tiên nhân nổi tiếng như Kalama, Ramaputta, và đã đạt đến trình độ tâm linh như các vị ấy. Tuy nhiên, Ngài biết rằng ở cõi trời cao nhất là Phi tưởng Phi phi tưởng cũng chưa phải là cứu cánh giải thoát vì còn trong Tam giới.
Cuối cùng Ngài nhận ra rằng, chỉ nên tìm học ở ngay chính mình chứ không tìm cầu bên ngoài mà được. Miệt mài thiền định dưới cội Tất bát la (Bồ đề), Ngài chứng quả vị tối thượng vào đêm thứ 49, khi sao Mai vừa mọc. Từ đó, Sa môn Cù Đàm trở thành Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và đêm lịch sử ấy được gọi là Đêm Thành đạo.
"Một người, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế Tôn, Bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Chính một người này, này các Tỷ-kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người."
"Sự xuất hiện của một người, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời. Của người nào? Của Như lai, bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác. Sự xuất hiện của một người này, này các Tỷ-kheo, khó gặp được ở đời." (Tăng chi I phẩm Một người, tr. 28, xb. 1980).
Ý nghĩa ngày Phật thành đạo
Đức Phật thành đạo là sự kiện tối quan trọng trong lịch sử Phật giáo.
Trước hết, Phật thành đạo có ý nghĩa đối với bản thân Ngài là một thành công viên mãn. Có trải qua biết bao tháng ngày dài trăn trở quên ăn bỏ ngủ, sáu năm trường khổ hạnh, công phu nhọc nhằn gạn lọc chân lý cạn sâu, dám hy sinh thân mạng và tất cả mọi thứ trên đời để tìm tòi mối đạo mới cảm nhận hết giá trị chói lọi huy hoàng của cái Ngày lịch sử Ngài được suy tôn lên ngôi Đại Giác. Một niềm an lạc sung mãn thấm đượm nơi Ngài đến nỗi Ngài trải qua tuần lễ đầu tiên sau khi Thành đạo để chứng nghiệm hạnh phúc tâm linh giải thoát và chính thức tuyên ngôn đoạn tuyệt với vòng luân hồi sanh tử khổ đau: "Xuyên qua nhiều kiếp sống trong vòng luân hồi, Như Lai thênh thang đi đi mãi. Như Lai đi tìm mãi mà không gặp. Như Lai đi tìm người thợ cất cái nhà này. Lập đi lập lại đời sống quả là phiền muộn. Này hỡi người thợ làm nhà, Như Lai đã tìm được ngươi. Từ đây ngươi không còn cất nhà cho Như Lai nữa. Tất cả sườn nhà đều gãy, cây đòn dông của ngươi dựng nên cũng bị phá tan. Như Lai đã chứng quả Vô sanh bất diệt và Như Lai đã tận diệt mọi ái dục."
Phật thành đạo không chỉ là một cuộc chinh phục vĩ đại, một chiến thắng vẻ vang đối với bản thân Ngài mà còn là một sự khai sáng tuyệt vời cho hết thảy nhân loại, chúng sanh vì chí nguyện xuất gia của Ngài là để tìm phương cứu chữa cho đời sống chúng sanh ngập chìm trong đau thương, tăm tối như chính lời Ngài phân tỏ với Xa-Nặc lúc chia tay: "Chính vì đêm tối Ta mới đi tìm ánh sáng." Trong khoảng thời gian 49 năm còn lại của đời mình, Ngài soi rọi Ánh Đạo Vàng đến khắp muôn phương và hiển thị rõ ràng rằng: "Nếu cõi đời không đau khổ tối tăm, Đức Phật đã chẳng xuất hiện ở đời." Ngài ra đời là "Vì an lạc của số đông, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng thương tưởng đối với đời, vì lợi ích, an lạc và hạnh phúc của chư thiên và loài người" (Tăng Chi I). Động cơ cao thượng này khiến Ngài cảm thất thất vọng nơi chứng đắc tối hậu của hai đạo sĩ Alara Kalama và Uddaka Ramaputta mà bỏ ra đi.
Phật dạy, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Lời dạy ấy là đứng trên Phật quả. Nhưng theo tinh thần kinh Lăng Già thì “Chúng sanh đã là Phật”, tức nhắm trên Phật nhân. Đã là Phật, vì chúng sanh nào cũng có trí tuệ đức tướng Như Lai. Như kẻ ăn mày trong kinh Pháp Hoa không biết mình có hạt châu trong chéo áo, cứ phải sống đời lang thang cơ nhỡ. Đến lúc được bạn nhắc nhở, lấy ra dùng thì trở nên giàu sang phú quý. Hạt châu có sẵn như Đạo sẵn đủ tại tâm, chỉ vì ta quên nên mê, còn nhớ ra là ngộ Đạo.
Đức Phật thành đạo nơi cội Tất bát la cách đây gần 26 thế kỷ, nhưng câu chuyện tìm đạo của Ngài vẫn luôn là bài học lớn cho hàng đệ tử Phật chúng ta. Khi mới phát tâm tu, chúng ta cần có thầy hướng dẫn đường lối đúng đắn để khỏi lạc lầm. Đang trong giai đoạn dụng công, ta cũng cần thầy bạn sách tấn và sửa chữa những sai sót, để khỏi sa vào những cám dỗ của ngoại ma. Nhưng vấn đề ngộ đạo lại khác, tự thân hành giả nỗ lực công phu, phải tự nhận ra Phật tâm nơi chính mình chứ không ai làm thay cho ai được.
Hiểu và tin mình có khả năng thành Phật, chúng ta có sự vững vàng trên đường tu. Ta không tìm cầu Phật bên ngoài, không tin có một quyền năng ban phước giáng họa, mà chỉ tin chính tâm mình có chánh nhân thành Phật. Ta cứ một lòng một dạ tiến bước trong Chánh pháp mà không khởi ý niệm mong cầu, thì khi đủ thời tiết nhân duyên, tất nhiên trổ ra chánh quả. Đến lúc ấy, ta mới thấm thía và biết ơn vô cùng lời-dạy-vô-ngôn của Đức Bổn Sư khi cầm cành sen, hay gậy tổ Hoàng Bá khi đập cho đệ tử xuất cách Nghĩa Huyền ba gậy.
Vậy thì rốt cuộc, Thành đạo là nhận ra và hằng sống với con người chân thật chính mình.
Kỷ niệm ngày Đức Phật thành đạo, chúng ta cùng ôn lại hình ảnh thánh thiện của Ngài, những lời dạy của Ngài muôn đời có giá trị và những việc làm cứu khổ độ sanh vô cùng cao quý của Ngài.
Sự kiện Thành đạo của Đức Thế Tôn là điểm son trong lịch sử tôn giáo của nhân loại, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của nhân bản, bình đẳng, vô ngã và từ bi. Ngài là bậc thầy vĩ đại của nhân loại, một con người kỳ vĩ xuất hiện trong thế giới thường nhân, với trí tuệ siêu xuất thể hiện qua ngôn ngữ, văn tự thường tình đã gây âm vang chấn động trong lịch sử tôn giáo và triết học.
Thời gian trôi đi, thế giới loài người cũng đã bao lần đổi thay, nhưng những lời dạy của Đức Phật vẫn mãi mãi là bức thông điệp muôn thuở cho con người khảo nghiệm, nghiên cứu, thực hành. Đức Phật chỉ là một con người, nhưng là một con người kết tinh của vô vàn tinh hoa tuyệt mỹ của nhân loại. Vì thế, đứng ở góc độ nào, người ta cũng thấy được hiện thân của Ngài. Đó là hiện thân của chân lý, của trí tuệ và từ bi.
Thanh Tâm