Thể theo lời mời của bổn tự Khải Đoan, Đại đức Thích Định Tuệ đã hoan hỉ nhận lời mời về tham dự Đại lễ kỉ niệm ngày Thành đạo của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật, PL.2562. Hôm nay, Đại đức chia sẻ về đề tài “Ý nghĩa Thành đạo” cho gần 1000 bà con Phật tử nơi đây hiểu rõ hơn về ngày Đức Phật Thành đạo.
Trong buổi giảng, Đại đức giảng sư nhấn mạnh những ý nghĩa mà người con Phật cần lưu tâm soi xét khi nhớ nghĩ về sự kiện Thành đạo của đức Phật. Thứ nhất, đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một con người lịch sử. Con người lịch sử ấy là Thái tử Siddhartha (Tất-đạt-đa), sinh ra và trưởng thành như bao người con trai xứ Ấn độ khác. Có khác chăng, đó là, thiếu niên Tất-đạt-đa ấy trưởng thành trong cung vàng điện ngọc, nhận mọi sự chăm sóc và giáo dục tốt nhất. Con người lịch sử ấy trở thành chàng thanh niên Tất-đạt-đa thành tựu toàn diện về trí đức (văn hóa) và thể đức (võ nghệ), cưới vợ sinh con, hưởng thụ mọi lạc thú của nhân sinh thường xem đó làm mục tiêu để phấn đấu. Để rồi, từ đời sống đầy đủ ấy, nhìn ra sự bất toàn của kiếp sống, quyết chí xuất gia tìm phương pháp giải quyết những bất toàn gây ra khổ đau cho bao kiếp nhân sinh ấy.
Con người lịch sử ấy là du sĩ Gautama (Cù-đàm), du phương học đạo với tất cả các bậc danh sư đương thời trong suốt 5 năm. Thực hành tất cả phương pháp thực tập để loại trừ dục vọng theo các truyền thống hiện hữu, kể cả khổ hạnh ép xác (ngày nhấm một giọt nước, nhai một hạt mè), bao lần dường như đánh đổi cả mạng sống để mong giải quyết được dục vọng phiền não. Và, con người lịch sử ấy rút ra được kinh nghiệm quý báu bằng phương pháp tu tập trung đạo (không hưởng thụ dục lạc, không khổ hạnh ép xác). Con người lịch sử ấy đã thành công sau 49 ngày chuyên tâm thiền tọa quán chiếu, trở thành đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đức Phật lịch sử ấy dạy chúng ta bài học thực tế rằng, con người không nên xem đức Phật là đấng thần linh, ban vui cứu khổ cho chúng sinh thông qua sự cầu cúng; mà con người hãy tôn kính đức Phật như một vị Thầy dẫn đạo, trao truyền phương pháp, và chính mỗi chúng sinh phải dùng trải nghiệm thực tế của chính mình từ việc áp dụng lời dạy ấy để ban vui cứu khổ cho chính mình và giúp cho những người xung quanh cùng thực hành theo.
Ý nghĩa thứ hai được Đại đức giảng sư nhấn mạnh đó là, nhân sự kiện trọng đại này của đức Từ phụ, mỗi chúng ta nhớ lại lời nhắn gửi của Ngài “ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”. Mỗi người chúng ta nhìn lại xem, từ khi phát Tâm bồ đề (làm đức Phật trong chúng ta đản sinh), chúng ta có chăm sóc đều đặn để “đức Phật sẽ thành” ấy lớn lên khỏe mạnh, bụ bẫm từng ngày, hay để cho “ngài” ốm o, suy nhược, thậm chí có người để “ngài chết non”. Có nhiều người trong chúng ta có khi để “đức Phật của mình” đản sinh rất nhiều lần rồi lại bị mai một, rồi lại tái sinh… quá trình này diễn ra lặp đi lặp lại. Chỉ có ai khéo tu, có niềm tin kiên định nơi Tam bảo, tinh tấn thực hành lời Phật dạy, phát nguyện rộng lớn và thực hành theo công hạnh của chư Phật, chư vị Bồ tát thì người này dần dần khiến cho “đức Phật của mình” dần tiến đến sự “thành đạo”. Có làm cho “đức Phật của mình thành đạo” thì đó là sự báo đền ơn Phật một cách có ý nghĩa nhất.
Trong buổi giảng, Đại đức giảng sư dành nhiều thời gian cho các Phật tử đã đặt ra những câu hỏi hoặc chia sẻ kinh nghiệm tu học bản thân. Đại đức cũng tuần tự giải đáp những thắc mắc và cho những lời khuyên quý báu khiến cả pháp hội vô cùng hoan hỉ.
Sau đây là những hình ảnh ghi nhận được trong buổi pháp thoại.
Tin&Ảnh: Như Thanh
Ban TTTT PG Dak Lak