Thông Tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Thông tư 60/TT-HĐTS ngày 26/3/2021

Căn cứ vào thực tế công tác Tăng sự tại Ban Trị sự các địa phương và tình hình thực tiễn diễn biến dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước hiện nay.
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM  
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
—————–
Số: 004/TT-HĐTS
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————-
             Hà Nội, ngày 10 tháng 01 năm 2022

THÔNG TƯ
Về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của
Thông tư 60/TT-HĐTS ngày 26/3/2021

             Kính gửi:

  • Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố.

Hội đồng Trị sự đã ban hành Thông tư số 60/TT-HĐTS ngày 26/3/2021 hướng dẫn tổ chức Đại hội Đại biểu GHPGVN cấp tỉnh, thành phố thuộc Trung ương (gọi chung là Đại hội Phật giáo tỉnh) nhiệm kỳ (2022-2027). Đến nay đã có một số Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố tổ chức thành công Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ (2022-2027). Đại đa số các Ban Trị sự đang tập trung cho công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội theo hướng dẫn của Thông tư 60/TT-HĐTS. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự có nhận được nhiều ý kiến trình bày về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiến hành công tác chuẩn bị Đại hội, trong đó đặc biệt là công tác dự kiến nhân sự tham gia Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh nhiệm kỳ (2022-2027).

Căn cứ vào thực tế công tác Tăng sự tại Ban Trị sự các địa phương và tình hình thực tiễn diễn biến dịch bệnh Covid-19 rất phức tạp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước hiện nay.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Hội đồng Trị sự kỳ 6, khóa VIII, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã quyết định có hướng dẫn cụ thể thực hiện một số điều của Thông tư 60/TT-HĐTS ngày 26/3/2021 nhằm tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ (2022-2027) phấn đấu đến ngày 31/10/2022 tất cả các Ban Trị sự Phật giáo cấp tỉnh, thành phố trong cả nước đều tổ chức thành công Đại hội, tiến tới Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ (2022-2027) dự kiến vào tháng 11/2022.

Nội dung Thông tư này không mang tính thay thế Thông tư 60/TT-HĐTS mà chỉ nhằm hướng dẫn bổ sung làm rõ hơn một số điều của Thông tư 60/TT-HĐTS ngày 26/3/2021 để thuận lợi hơn trong công tác tổ chức và đảm bảo tiến độ thời gian nêu trên trong điều kiện bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Nội dung hướng dẫn thực hiện như sau:

  1. Đối với khoản 5, điều 2, mục II Quy định chung, tại Thông tư 60/TT-HĐTS quy định:

– Tại điểm (1) Độ tuổi giới thiệu tham gia Ban Trị sự tỉnh, thành phố nhiệm kỳ (2022-2027) được tính trên cơ sở hồ sơ tấn phong Giáo phẩm. Trong trường hợp có sự khác nhau về năm sinh ghi trong hồ sơ tấn phong Giáo phẩm và Chứng minh thư Nhân dân, Căn cước Công dân thì quyết định tính theo năm sinh trong hồ sơ tấn phong giáo phẩm.

– Tại điểm (2) Ủy viên Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố có tuổi đời không quá 70 tuổi; không kiêm nhiệm quá 02 chức danh trong Ban Thường trực Ban Trị sự, mỗi chức danh không quá 03 nhiệm kỳ và điểm (3) Trong trường hợp nhân sự 70 tuổi, hoặc trên 70 tuổi đã đảm nhiệm chức danh chủ chốt của Ban Trị sự tỉnh, thành phố liên tục 03 nhiệm kỳ thì không giới thiệu tái cử vào Ban Trị sự nhiệm kỳ (2022-2027) nhằm thực hiện chủ trương cải cách hành chính của Giáo hội tăng cường vị thế, uy tín lãnh đạo, vai trò hướng dẫn tu tập của Chư tôn đức Chứng minh Ban Trị sự, của Hội đồng Chứng minh theo Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh lần thứ VI. Hội đồng Trị sự có xem xét các trường hợp đặc biệt, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với Ban Trị sự thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và Ban Trị sự không có nhiều Chư tôn đức hàng giáo phẩm Hòa thượng để duy trì sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành Phật sự có hiệu quả, đảm bảo sự ổn định, đoàn kết, hòa hợp của Ban Trị sự.

Đối với trường hợp nhân sự không kiêm nhiệm quá 02 chức danh trong Ban Thường trực và mỗi chức danh không quá 03 nhiệm kỳ được quy định áp dụng đối với các chức danh kiêm nhiệm, không áp dụng đối với các chức danh chuyên môn chính, chủ chốt.

– Tại điểm (6) quy định trong trường hợp cần thiết, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ công cử Thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đảm nhiệm chức vụ Trưởng Ban Trị sự GHPGVN cấp tỉnh, thành phố chỉ áp dụng đối với Ban Trị sự không thể cơ cấu, giới thiệu được nhân sự Chư tôn đức tại địa phương đảm nhận chức vụ Trưởng Ban Trị sự trong quá trình chuẩn bị Đại hội. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự chỉ đưa ra quyết định giới thiệu công cử nhân sự Thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị tham gia Ban Trị sự địa phương tỉnh, thành phố nhiệm kỳ (2022-2027) sau khi đã thảo luận kỹ và tổ chức họp bàn với Ban Trị sự nhiệm kỳ (2017-2022), và sau khi đã nhận được sự tham vấn, trao đổi thống nhất với các cơ quan chức năng của chính quyền địa phương tỉnh, thành phố.

  1. Đối với điều 1, mục III Công tác chuẩn bị Đại hội tại Thông tư 60/TT-HĐTS quy định:

– Tại điểm quy định Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tham gia Đoàn Chủ tịch Đại hội (Chứng minh và Chủ tọa đoàn) làm nhiệm vụ chỉ đạo toàn diện Đại hội, lấy ý kiến đại biểu suy cử tân Ban Trị sự nhiệm kỳ (2022-2027), đạo từ chỉ đạo Đại hội. Ban Tổ chức Đại hội chỉ sắp xếp Chư tôn đức là Thành viên Ban Thường trực Hội đồng Trị sự tham gia Bàn Chứng minh và Bàn Chủ tọa để làm nhiệm vụ như đã nêu ở trên. Bàn Chủ tọa được thực hiện theo khoản (7), điều 2, mục III của Thông tư 60/TT-HĐTS.

– Tại khoản (2), điều 2, mục III quy định thành lập Ban Tổ chức Đại hội và các tiểu ban. Ban Tổ chức Đại hội do Trưởng Ban trị sự làm Trưởng ban Tổ chức. Trong trường hợp đặc biệt, Trưởng Ban Trị sự uỷ quyền cho Phó Trưởng ban Thường trực, Phó Ban Trị sự làm Trưởng ban Tổ chức Đại hội. Tùy theo điều kiện tình hình thực tế của từng địa phương sẽ cơ cấu số lượng, thành phần nhân sự tham gia Ban Tổ chức là Thành viên Ban Thường trực, các Ủy viên Ban Trị sự đương nhiệm có trách nhiệm, kinh nghiệm, kỹ năng trong công tác tổ chức, điều hành Đại hội thành công.

– Tại khoản (4), điều 2, mục III quy định Tiểu ban Nhân sự Đại hội. Tiểu ban Nhân sự do Trưởng Ban trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự làm Trưởng ban. Trong trường hợp đặc biệt, Trưởng Ban Trị sự uỷ quyền cho Phó Trưởng ban Thường trực làm Trưởng Tiểu ban. Thành phần Tiểu ban Nhân sự phải cơ cấu Trưởng Ban Tăng sự, Chánh Thư ký tham gia. Tùy theo điều kiện tình hình thực tế tại địa phương, số lượng Tiểu ban Nhân sự Đại hội có thể gồm từ 7, hoặc 9, hoặc 11 vị, hoặc nhiều hơn nhưng phải là số lẻ tham gia Tiểu ban Nhân sự để thuận lợi trong biểu quyết quyết định các yêu cầu đặt ra trong công tác chuẩn bị dự kiến nhân sự đảm bảo đúng quy trình cơ cấu nhân sự theo Thông tư 60/TT-HĐTS.

  1. Trong trường hợp diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại các địa phương, Ban Tổ chức Đại hội có thể xin phép Ban Thường trực Hội đồng Trị sự để điều chỉnh quy mô, nội dung, hình thức tổ chức Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh, thành phố nhiệm kỳ (2022-2027) đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch bệnh của địa phương.

Nhằm thực hiện thành công kế hoạch Phật sự đã đề ra trong công tác tổ chức Đại hội Đại biểu Phật giáo tỉnh, thành phố nhiệm kỳ (2022-2027), kính đề nghị Quý Chư tôn đức Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố thực hiện theo Thông tư 60/TT-HĐTS và nội dung hướng dẫn thực hiện một số điều của Thông tư này.

Trân trọng!

Nơi nhận:

– Như trên;
– Ban Thường trực HĐTS;
– Ban Tôn giáo Chính phủ/Vụ PG;                       
– Bộ CA/Cục A02;
– Sở Nội vụ/BTG các tỉnh, TP;
– Lưu VP1, VP2

TM.BAN THƯỜNG TRỰC
CHỦ TỊCH 

 

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn

 

Tin cùng chuyên mục

 
BAN THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG
CƠ QUAN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH ĐAK LAK
  Tổng biên tập: HT. Thích Châu Quang
Chịu trách nhiệm nội dung: ĐĐ. Thích Nguyên Huấn
  - Văn phòng: 117 Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đak Lak.
  - Bài viết xin gởi về theo địa chỉ Email: phatgiaodaklak@gmail.com
  - Ghi rõ nguồn phatgiaodaklak.org khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.
Email của VP. Ban Trị Sự - Nơi tiếp nhận các văn bản, giấy tờ hành chánh Giáo Hội
vpbtsphatgiaodaklak@gmail.com