210 686
Đông Triều. 10:30:23 20-09-2020 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Thông tư của Trung ương Giáo hội hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng Ni

Thông tư của Trung ương Giáo hội hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng NiBan Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành Thông tư hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng Ni. Mục đích đảm bảo quyền và nghĩa vụ của Tăng Ni trong tu học, hành đạo, sinh hoạt theo đúng Chính pháp, Giới luật, truyền thống Phật giáo Việt Nam, Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật Nhà nước.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
—————————

Số: 206 /2020/TT-HĐTS

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————

                     Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 2020

THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng Ni
 


             Kính gửi:

 

– BAN TRỊ SỰ GHPGVN TỈNH, THÀNH PHỐ
– BAN TĂNG SỰ GHPGVN TỈNH, THÀNH PHỐ

Căn cứ điều 57, 58, 59 chương X Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sửa đổi lần thứ VI;

Căn cứ Nghị quyết số 04/NQ-BTSTW ngày 24/7/2020 của Hội nghị Tăng sự toàn quốc năm 2020.

Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành Thông tư hướng dẫn việc sinh hoạt của Tăng Ni. Mục đích đảm bảo quyền và nghĩa vụ của Tăng Ni trong tu học, hành đạo, sinh hoạt theo đúng Chính pháp, Giới luật, truyền thống Phật giáo Việt Nam, Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương và pháp luật Nhà nước.

A. Sử dụng không gian mạng của Tăng Ni

1. Giải thích từ ngữ:

a) Không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian;

b) Dịch vụ trực tuyến bao gồm trung tâm điều hành điện tử của Giáo hội, các trang thông tin điện tử, diễn đàn trực tuyến, mạng xã hội, blog …;

2. Quyền của Tăng Ni sử dụng không gian mạng:

a) Tăng Ni được quyền sử dụng không gian mạng để nâng cao kiến thức, tu học, nghiên cứu, tương tác, chia sẻ thông tin, phát huy tính mẫu mực đạo đức, lối sống của người xuất gia với các pháp lữ và tín đồ, cư sĩ Phật tử;

b) Sử dụng không gian mạng phải theo đúng quy định Luật an ninh mạng (Luật số 24/2018/QH14).

c) Tăng Ni có nhu cầu chia sẻ, tương tác thì sử dụng trang thông tin điện tử (website) chính thống của Ban Trị sự tỉnh, mạng xã hội Butta, Phật sự online của GHPGVN và các website của Ban, Viện Trung ương Giáo hội là những công cụ chính để Tăng Ni có nhu cầu chia sẻ, tương tác.

d) Tăng Ni được quyền sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân nhưng phải chịu trách nhiệm về các thông tin đăng tải, chia sẻ, tương tác trên không gian mạng theo quy định của Luật an ninh mạng, quy định của Giáo hội và Thông tư này.

3. Nghĩa vụ của Tăng Ni sử dụng không gian mạng:

Tăng Ni sử dụng không gian mạng không được thực hiện các hành vi:

a) Phê phán pháp môn khác, không tạo mâu thuẫn trong truyền thống tu học của Phật giáo Việt Nam;

b) Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu Cách mạng Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, xúc phạm niềm tin tôn giáo, phân biệt chủng tộc;

c) Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, cộng đồng Tăng Ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài Giáo hội;

d) Thông tin trên không gian mạng có nội dung mang tính bịa đặt, vu khống, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong và ngoài Giáo hội;

e) Xuyên tạc lịch sử Phật giáo Việt Nam và tổ chức GHPGVN, làm ảnh hưởng đến đoàn kết nội bộ Phật giáo, uy tín của Giáo hội, gây phương hại đến lợi ích của Giáo hội và Dân tộc;

f) Mọi hành vi tuyên truyền, kích động, xúi giục, lôi kéo, tụ tập đông người xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài Giáo hội;

g) Không được đăng tải lên không gian mạng các hành vi vi phạm của trụ trì Tự viện, Tăng Ni chưa được các cấp Giáo hội xử lý;

h) Chia sẻ cảm xúc và hình ảnh cá nhân, tương tác và các hành vi khác không phù hợp với Giáo pháp, Giới luật Phật chế, hình ảnh thanh tịnh của tu sĩ Phật giáo Việt Nam.

4. Biện pháp chế tài:

a) Lần thứ nhất: Ban Trị sự tỉnh nhắc nhỡ, khiển trách, yêu cầu sám hối;

b) Lần thứ hai: Ban Trị sự tỉnh tiếp tục nhắc nhỡ, cảnh cáo và yêu cầu sám hối;

c) Lần thứ ba: Tiếp tục vi phạm, Ban Trị sự tỉnh báo cáo Hội đồng Trị sự để tẩn xuất khỏi GHPGVN. Nếu là trụ trì Tự viện thì Ban Trị sự cấp tỉnh đình chỉ chức vụ trụ trì 06 tháng để sám hối, tiếp tục vi phạm báo cáo Hội đồng Trị sự để cách chức trụ trì, trao đổi với sơn môn, hệ phái liên hệ bổ nhiệm trụ trì khác thay thế.

B. Tăng Ni tham gia các tổ chức trong và ngoài nước

1. Tăng Ni được quyền tham gia các tổ chức trong nước: Cơ quan dân cử, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, các hội và hiệp hội được Giáo hội các cấp từ Trung ương đến địa phương giới thiệu.

2. Tăng Ni được quyền tham gia các tổ chức của Liên hợp quốc và các tổ chức nước ngoài khác được nhà nước CHXHCNVN cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam phải được Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự tỉnh giới thiệu. 

3. Cá nhân Tăng Ni tham gia các tổ chức trong nước cũng như các tổ chức khác của nước ngoài chưa được nhà nước CHXHCNVN cho phép hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Giáo hội và Tổ quốc. Tùy mức độ và hành vi làm ảnh hưởng đến Giáo hội và Tổ quốc, được chế tài:

a) Lần thứ nhất: Ban Trị sự tỉnh tuyên truyền, vận động;

b) Lần thứ hai: Ban Trị sự tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động;

c) Lần thứ ba: Cá nhân Tăng Ni tiếp tục vi phạm, Ban Trị sự tỉnh báo cáo Hội đồng Trị sự để xử lý theo Giới luật, Hiến chương GHPGVN. Cá nhân Tăng Ni phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Nếu là trụ trì Tự viện, Hội đồng Trị sự sẽ xử lý theo Giới luật, Hiến chương Giáo hội, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN.

C. Tổ chức thực hiện

1. Trụ trì Tự viện, Tăng Ni khi thực hiện các hoạt động Phật sự, tu học, sinh hoạt, hành đạo phải thực hiện đầy đủ các quy định của Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, pháp luật Nhà nước và Thông tư này.

2. Các hành vi vi phạm, tùy mức độ vi phạm sẽ xử lý theo Giáo luật, Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương.

3. Các trường hợp cá biệt khác, sau khi nhận được báo cáo của Ban Trị sự tỉnh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự sẽ có hướng dẫn và chỉ đạo giải quyết.

Trên tinh thần trí tuệ – kỷ cương – hội nhập – phát triển, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam và tổ chức GHPGVN, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự yêu cầu quý Ban Trị sự, Ban Tăng sự GHPGVN tỉnh, thành phố thực hiện việc quản lý Tự viện, Tăng Ni theo quy định của Giới luật, Hiến chương GHPGVN, Nội quy Ban Tăng sự Trung ương, pháp luật Nhà nước và Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trân trọng!

 

Nơi nhận:
– Ban Thường trực HĐTS
– Hòa Thượng PCT Thường trực HĐTS
– Ban Tôn giáo Chính phủ
– UBND, BDV, UBMTTQ, SNV/BTG tỉnh, thành
– Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành
– Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố
– UBND, BDV, UBMTTQ, phòng Nội vụ quận, huyện, thị xã, thành phố
– Trụ trì các Tự viện và Tăng Ni
– Lưu VP1, VP2

TM. BAN THƯỜNG TRỰC
CHỦ TỊCH

Đã ký

Hòa thượng Thích Thiện Nhơn

 

Chia sẻ với bạn bè qua: