510 798
Tự Viện » Thành Phố Buôn Ma Thuột
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 23:06:01 22-10-2016 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Đăk Lăk: Lịch sử Thiền viện Trúc Lâm Vạn Đức tọa lạc tại Thành phố Buôn Ma Thuột

Đăk Lăk: Lịch sử Thiền viện Trúc Lâm Vạn Đức tọa lạc tại Thành phố Buôn Ma ThuộtThiền viện Trúc Lâm Vạn Đức tọa lạc tại Tổ dân phố 2 – Phường Tân hòa – TP. Buôn Ma Thuột – Tỉnh ĐắkLắk. Đi dọc theo QL 26, hướng về phía Nha Trang, đến Km 8, rẽ phải theo đường Nguyễn Sinh Sắc, rẽ trái ta sẽ gặp ngay Thiền Viện Trúc Lâm Vạn Đức.
  • Địa điểm: TDP 2 – Phường Tân hòa – TP. Buôn Ma Thuột – Tỉnh ĐắkLắk
  • Tên gọi trước đây: Chùa Vạn Đức
  • Năm Khai Sơn: 1965
  • Người Sáng Lập: Phật tử địa phương
  • Trụ trì hiện nay: ĐĐ. Thích Thông Trụ
  • Hệ Phái: Bắc tông
  • Các năm trùng tu: 1971, 1989, 1990, 1998,2008
  • Điện Thoại: 0979.240.092

Nơi đây là một thị tứ, tập trung nhiều Phật tử của nhiều địa phương trên cả nước, cũng là cửa ngõ chính từ phía đông vào thành phố Buôn Ma Thuột.
 
Nhân duyên thành lập:
 
Vào những năm 1958-1960 của thế kỷ trước bà con từ các tỉnh miền Trung (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định...) do biến động lịch sử của đất nước “nghèo khó và chiến tranh”, dân nghèo phải di dân lập “dinh điền” sản xuất tại Tây nguyên (thời chế độ Ngô đình Diệm).
 
Đến năm 1963-1964 các vùng nông thôn “dinh điền” phải đối diện bom đạn giao tranh giữa lực lượng cách mạng và quân đội của chế độ miền Nam Việt nam, nên phải di tản dân từ các dinh điền Khuê Ngọc Điền (KrôngBông), Thiện Hạnh, Thuận Hiếu (KrôngPách), Quảng nhiêu, Phú học (CưM’gar), Đạo tế (Buôn Hồ), Quảng Trạch, Thăng trạch (Lắk),... về ngoại biên Tỉnh lỵ ĐắkLắk, lánh nạn, lúc đó nơi đây gọi là Trung Tâm Tình Thương, vào đầu năm 1965.
 
Thời đó, Phật tử đều là thành phần tỵ nạn chiến tranh, nông dân phải bỏ ruộng vườn về thành thị không có đất canh tác, không nghề nghiệp mà chỉ làm thuê cuốc mướn để có cơm muối qua ngày. Trước nổi gian lao tạm bợ, những buồn vương trong cuộc sống, tâm hồn gợi nhớ đến một nguồn lực tâm linh để nương tựa, nên những người con Phật cùng hội tụ chung lòng lập nên ngôi Niệm Phật đường, bằng tranh, tre trên khu đất với diện tích 1.800m2 mà chính quyền cấp cho mỗi Tôn giáo. Để có nơi gởi gấm nỗi lo âu, tìm lời kinh, bài kệ để giải tỏa, làm ấm lòng vì cuộc sống tạm bợ, khó khăn..., và giúp đỡ, an ủi nhau lúc hoạn nạn, ốm đau, ma chay...
 
Thời gian đầu (1965) Niệm Phật đường được giao cho một Phật tử thủ từ (thường gọi là Thầy Phước), một thời gian sau thì thầy về quê. 
 
Ban đại diện Khuôn Hội qua các thời kỳ:
 
Sau khi thầy Phước về quê, Phật tử bầu ra Ban Khuôn Hội để quản lý và chỉ đạo sinh hoạt, lập danh sách Ban Khuôn Hội và đề xuất lấy tên chùa Vạn Đức trình lên Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo tỉnh ĐắkLắk và đã được chấp thuận.
 
Từ 1966 – 1968 do Phật tử Trần Chư làm Khuôn hội trưởng, sinh hoạt chủ yếu là thời kinh buổi tối, các cúng lễ trong các ngày sóc vọng, lễ vía... và cúng kiếng tại tư gia Phật tử. Thời gian này đã tu sửa Chùa bằng mái tôn, vách ván.
 
Đến nhiệm kỳ 2:1968-1970 do Phật tử Võ văn Phụng đảm nhiệm.
Đến nhiệm kỳ 3:1971-1973 do Phật tử Dương Cầm đảm nhiệm.
Thời gian này ngôi Chùa đã xuống cấp, Ban Khuôn Hội đã trình lên Ban Đại Diện Giáo Hội Phật Giáo tỉnh DakLak, chùa Vạn Đức xin xây dựng với vật liệu bán kiên cố, ngôi Chánh điện gồm 3 gian, 2 chái, mái hiên và hậu cung với diện tích 110m2, tường xây, mái ngói, nền xi măng.
 
Được Giáo Hội Phật Giáo Tỉnh ĐăkLăk chấp thuận và hỗ trợ, ký giấy giới thiệu cho chùa Vạn Đức được cử người đến các Chùa và Phật tử trong toàn Tỉnh vận động, quyên góp, tùy hỷ trợ duyên tịnh tài, tịnh vật. Lúc này nền kinh tế đang còn khó khăn, sự vận động cũng hạn chế nên phải đến giữa năm 1973 mới hoàn thành. Lễ Khánh Thành Chùa được sự chứng minh của Thượng Tọa Thích Quán Tâm, Trưởng Ban Đại Diện Phật Giáo Tỉnh ĐắkLắk (Chùa, Chánh điện, cổng Tam Quan quay về hướng Nam). Lần xây dựng này, Ông Đức Hạnh, Phật tử nhà buôn tại thị xã Buôn Ma Thuột là đại thí chủ công đức, ngoài cúng dường tài vật để xây Chùa mà còn cúng dường tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, tượng Bồ tát và quả Hồng chung nặng 70kg (hiện còn sử dụng).
 
Đến nhiệm kỳ 4, từ 1973- 1990 do Phật tử Bùi Thanh Chi đảm nhiệm.
Sau 1975 việc sinh hoạt Tôn Giáo cũng không được thuận duyên.
Đến năm 1981, Phật Giáo Việt Nam vận động và tổ chức Đại Hội hợp nhất các Hệ phái, chung cùng trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.  
 
Khi có cấp lãnh đạo Phật giáo cấp Trung ương, Pháp chủ và Hội đồng chứng minh, Chủ tịch và Hội đồng trị sự..., có Hiến chương được mhà nước chấp thuận. Từ đó mới triển khai thành lập Ban trị sự Phật giáo cấp Tỉnh. Sau khi Ban trị sự Phật giáo tỉnh DakLak hình thành do cố Hòa thượng Thích Quang Huy là Trưởng Ban Trị sự, mới phát động sinh hoạt ở các Chùa cơ sở.Chùa Vạn Đức cũng trong quy trình đó, gian nan do nghi ngại, nghi ngờ... nên đến năm 1988 mới vận động được Phật tử về Chùa  sinh hoạt và lập ban Đại diện Phật Giáo tạm thời.
 
Lúc này quang cảnh Chùa qua thời gian thiếu chăm sóc đã trở nên tiêu điều. May mắn là vào năm 1989 thầy Thích Giác Hạnh cùng một số Phật tử chùa Khải Đoan đã phát tâm phục hồi các tôn tượng, đắp lại y tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, sơn phủ lại các tượng Bồ tát và tô vẽ cho Điện Phật được trang nghiêm (trong đó có nhạc sĩ Hằng Vang).
 
Vào cuối năm 1990, chùa Vạn Đức mới tổ chức được Đại hội Phật Giáo của Chùa và bầu Ban Đại diện, dưới sự chứng minh của thầy Thích Quang Huy, Trưởng Ban Trị Sự Giáo hội Phật Giáo Tỉnh ĐắkLắk và ban hành quyết định công nhận ban Đại diện Phật giáo chùa Vạn Đức do Phật tử Hoàng A Cấm, Pháp danh: Quảng Phẩm làm trưởng ban Hộ tự.  Giai đoạn từ 1990-  1998 Chùa cũng đã tu bổ và xây dựng như: Gia cố hiên chùa, sửa chữa đường máng nước sau Chánh điện, xây thêm nhà Hội, nhà Linh, xây dựng Đoàn quán Gia đình Phật tử Lộc Thiện và hàng rào xung quanh Chùa. Tổ chức các khóa huấn luyện Huynh trưởng, Tuyết sơn, AnôMa NiLiên, do ban Hướng dẫn Tỉnh DakLak tổ chức và Đại lễ Chẩn tế Trai đàn Bạt độ.
 
Thầy Thích Thông Trụ, thuộc Thiền phái Trúc lâm Yên Tử Đà Lạt được Ban Đại Diện Phật giáo và toàn thể Phật tử Chùa Vạn Đức đồng thuận Cung thỉnh về để trụ trì Chùa. Ban Đại diện Phật giáo Chùa lập thủ tục, hồ sơ, trình lên các cấp chính quyền tỉnh DakLak và Ban Trị sự Phật giáo Việt nam tỉnh DakLak để xin Bổ nhiệm, chính thức vào năm 2001. Tại lễ Bổ nhiệm Trụ trì, chứng minh có Cố Hòa thượng Thích giác Dũng, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh DakLak và chư vị Bổn sư là Hòa thượng thượng Thanh hạ Từ, Viện chủ Thiền viện Trúc lâm Đà Lạt cũng là Tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử hiện nay). Cố Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Viện chủ Tổ Đình Thiên Đức tại An Nhơn, Bình Định, Chư Tăng, Ni trên địa bàn Thành Phố Buôn Ma Thuột, Tỉnh DakLak, quý vị chính quyền các cấp và hàng ngàn Phật tử về tham dự.
 
Nét văn hoá đặc trưng của Thiền Viện:
 
Với tâm nguyện phát triển lên Thiền viện, Thầy Trụ trì từng bước tạo dựng: Tiếp Tăng, độ chúng, mở rộng diện tích, xây dựng nâng cấp Chùa, Hoằng hóa chuyển cải phương thức sinh hoạt, tu tập, thành lập Đạo tràng, tự hướng tâm linh Phật Tử.
 
Với một vị Tỳ kheo, đã thọ giáo các Thầy cao Tăng và kênh qua Phật sự của Chùa và Thiền viện, tiếp xúc hành Đạo nhiều đối tượng, Phật tử thiện tri thức, người đang tu hay mới tầm đạo..., nên Thầy đã tùy duyên, uyển chuyển khế lý, khế cơ, gieo bao nhân lành, biết bao hạt giống Từ Bi, Hỷ Xả, truyền đạt đạo lý Nhân Quả, Nghiệp Báo, biết buông xả Tham Sân Si và Tự Ti. Thầy khuyến dụ tu Tâm, Tích Đức, với phương thức Thiền giáo song hành, niệm Phật, tụng kinh, tu Bát quan trai, ngồi Thiền, tu Phước làm từ thiện, bố thí, theo dõi hơi thở và luôn luôn mở rộng tình yêu thương đến hết thảy mọi người.
 
Cảm động trước tấm lòng chân thành tha thiết chuyển hóa tâm tư, thắp sáng Trí Tuệ của Thầy, Phật tử như bắt gặp nguồn suối thanh lương giữa trần ai, vô thường dâu bể, nên quy tụ rủ nhau về Chùa ngày càng đông vui, an lạc. Họ đã thể hiện qua nhiều việc làm thiết thực, chứng tỏ có công phu hàm dưỡng như thành lập Đạo tràng tu tập, được Hòa thượng Thanh Từ cho tên đó là Đạo Tràng Trúc Lâm Thiền Định, mỗi tháng tu tập 2 ngày( vào ngày mùng 8 và ngày 23), có nhiều hành giả ở xa và nam cư sĩ tham gia khá đông.
 
Đạo tràng Bổn tự, hành thiền, tụng kinh sám hối, ngồi Thiền hàng đêm từ lúc 6 giờ tối, hành lễ vào ngày mùng Một và ngày Rằm, các ngày Lễ lớn tụng Kinh bộ như: kinh Dược Sư, kinh Pháp Hoa, kinh Địa Tạng...
 
Ngoài ra, còn có các Đạo tràng tu học như: Chúng Thanh Văn Pháp, Gia Đình Phật tử Lộc Thiện, sinh hoạt vào chủ nhật hàng tuần, có Ban Từ thiện Xã hội, Ban Hộ Trai, để phụng sự các ngày Lễ. Phát quà Từ thiện cho bà con nghèo, đồng bào Ê đê, có hoàn cảnh khó khăn trong và ngoài phường, người già neo đơn, trẻ em mồ côi Trung Tâm Xã Hội Tỉnh DakLak.
 
Thuyết giảng Giáo lý: Trong các khóa Tu hay các ngày Lễ lớn đều có thuyết giảng Phật pháp do Thầy Trụ trì hay các Giáo thọ sư trong hệ thống Thiền viện Trúc lâm về thuyết giảng. Đôi khi các Phật sự cũng được Chư Tôn Đức chứng minh như: thượng tọa Thích châu Quang, Trưởng ban Trị sự, Hòa thượng Thích giác Thanh, Chứng minh Ban Trị sự. Hòa thượng Thích giác Chí phó trưởng Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt nam tỉnh DakLak. Ngoài ra, Ni Sư Thích Nữ Hương Nhũ, Thầy Thích Thiện Xuân,Thầy Nhật Từ, Thích Định Hương...cũng về thuyết pháp. Lớp học Phật pháp căn bản cũng được Tu học thường xuyên vào tối thứ 7 hàng tuần tại Chánh Pháp Đường.
 
Từ khi có Chư Tăng về Trụ trì, việc tiếp Tăng độ chúng cũng gần đến trăm người, Chư Tăng các Thiền viện đến, và các chư Tăng đến học pháp Thiền, các Thanh, Trung niên đến xuất gia và nuôi chúng điệu nhỏ, tùy theo cơ sinh mỗi người để xắp xếp tu học. Còn trong tuổi học văn hóa, thì cho đi học, từ Tiểu học đến Trung học phổ thông, thanh thiếu niên đã học xong, hoặc hết học văn hóa, có khả năng được gởi theo học các lớp Sơ, Trung, Cao đẳng và Đại học Phật giáo.Người bán thế xuất gia thời học Pháp, Tu hành ở Thiền viện.Hiện nay, các đệ tử của Thầy Trụ trì đã có nhiều Thầy là Cử nhân Phật học.
 
Biết là Chùa nghèo (Phật Tử eo hẹp kinh tế), diện tích thì nhỏ hẹp (so lập cảnh Thiền viện) và chung quanh gia cư đã kín hết. Nhưng với tâm nguyện chí thành, nhờ Hồng Ân Tam Bảo gia hộ và Hộ pháp hộ trì, nên duyên lành đã đến, vì có hai gia đình kề nhau,kế Chùa đã chuyển đi ở nơi khác, Chùa đã mua được là: 1800m2. Có đất, phải xây dựng nơi để tạm sinh hoạt (Chánh điện, nhà trù, trai đường) làm xong mới dỡ Chùa cũ. Trong khi vừa xây dựng nơi sinh hoạt, Ban kiến thiết, phải tham khảo thiết kế, kiến trúc và lập hồ sơ, xin phép xây dựng. Khi được Chính quyền các cấp chấp thuận, tháng 2 năm 2008 Chùa đã chính thức tổ chức Lễ Đặt đá, khai móng... Dưới sự Chứng minh, chú nguyện của Chư Tôn Thiền Đức trong Ban Quản Trị Thiền phái Trúc lâm Yên Tử, Thượng Tọa Thích Thông Phương . Chư Tôn Giáo Phẩm, Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Tỉnh DakLak, Chứng minh Cố Hòa thượng Thích Giác Dũng, cùng đông đảo Phật tử về dự Lễ.
 
Theo dự trù và thiết kế ban đầu, chỉ ước lượng kinh phí trên 10 tỷ đồng, nhưng xây dựng đến nay đã dội lên gần gấp 4 lần vì qui mô thêm ra, vài thiết kế phải điều chỉnh và vật liệu, nhân công đội giá theo thời gian.Trong khi xây dựng Thiền viện cũng đã đúc Đại Hồng Chung, trọng lượng trên 1.000kg Đồng, được Thượng Tọa Thích Châu Quang Trưởng Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Tỉnh DakLak và Chư Tăng, Ni chứng minh và chú nguyện cùng đông đảo Phật tử tham dự.Đồng thời cung thỉnh Trống Đại, đường kính: 1,4m (trống thùng liên khối không ghép). Đến nay, Thiền viện xây dựng chưa xong, chỉ ngôi Chánh điện, nhà Tổ, Chánh Pháp Đường, dãy nhà Tăng, cổng Tam Quan đã hoàn thành, đã có thể là Ngôi phạm vũ uy nghiêm.Bên trong Chánh điện thoáng đãng, lòng thanh tịnh lâng lâng,quỳ lạy Đức Phật,bậc từ phụ Đại hùng Đại lực, trang nghiêm đang ngôì niêm hoa vi tiếu. Bước ra phía sau gặp một Thư viện đầy đủ Kinh, sách; Đặc biệt là hai Bộ Kinh( Đại Tạng Càng Long và Đại Tạng Chánh Tân Tu) thỉnh từ Đài Loan, kế sau là Tổ đường, gặp Tổ sư Bồ Đề Đạt Ma mặc như lôi với ánh mắt uy nghi,và Tam Tổ Trúc Lâm, Từ bi thanh tịnh. Tiếp qua hành lang bên hông Chánh điện, chất thi ca lãng đãng quanh dãy nhà Tăng xá nên thơ, nơi chư Tăng cư trú,sinh hoạt hằng ngày. Vòng xuống dưới là Chánh Pháp Đường rộng rãi, dành cho các lớp học giáo lý,các Thầy, chú tu học.qua bên kia đường là khu dành cho Gia Đình Phật Tử sinh hoạt, tổ chức Văn nghệ, trong những dịp Lễ hội Phật Đản, Thành Đạo, Vu Lan, phía sau là Trai đường và nhà bếp.
Chùa Vạn Đức, không có diện tích lớn rộng, cảnh vật rừng cây thoáng đãng về mô hình Thiền viện, nhưng cũng đủ nhân tố một Thiền viện, nên đã xin và đã được Tổ Trúc lâm, Hòa Thượng Thích Thanh Từ cho đổi lên Thiền viện với danh hiệu là” Thiền viện Trúc lâm Chánh Pháp”. Từ đó chùa Vạn Đức trình lên chính quyền các cấp và Ban Trị sự Giáo Hội Phật Giáo Việt nam Tỉnh DakLak, có ý kiến lưu lại tên chùa Vạn Đức, để tưởng nhớ những vị Tiền bối hữu công,và đã được Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh DakLak cho đổi tên là: THIỀN VIỆN TRÚC LÂM VẠN ĐỨC.
 
Hôm nay, Thiền viện đã đủ yếu tố Pháp lý và tình cảm của Thầy Tổ, nên Thiền viện đã khai Chuông, Trống để đưa Bảo điện vào hoạt động Phật sự. Tuy nhiên, Thiền viện đến nay vẫn tiếp tục xây dựng những hạng mục còn lại, nhưng đã được sự tín tâm của Phật tử gần xa, sự kính ngưỡng phước đức của chư Tăng, nhất là Thầy Trụ trì, nên dần dần được các Phật tử và mạnh thường quân biết đến, kể cả nơi xa( ngoài tỉnh) cúng dường Tịnh tài, vật liệu, người giúp kỷ thuật, vật liệu máy móc...
Giờ đây, Pháp Bảo vươn cao, Bảo điện hoành tráng,cổng Tam quan uy nghiêm  là nhờ có được sự cung tiến tài vật kịp thời thúc đẩy công trình,  đem đến sinh khí Tu học cho Phật tử, đặc biệt là năng lượng tâm linh cho Thiền viện, là cả một quá trình công sức của Chư Tăng, Ni, Phật tử, đặc biệt là ân đức của Ngài tổ sư Trúc Lâm thượng Thanh hạ Từ và những tấm lòng hảo tâm vì Đạo pháp mà cúng dường, tài trợ cho công trình xây dựng Thiền viện.
 
Ban Văn Hóa & Thông Tin Truyền Thông Phật Giáo Tỉnh Dak Lak
Chia sẻ với bạn bè qua: