Sức Sống Của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thời Hội Nhập

Các nhà hoằng pháp cần truyền bá tinh thần bảo tồn văn hóa trong kiến trúc và mỹ thuật, đậm bản sắc Việt Nam. Phong cách thờ phượng, tượng và tranh ảnh Phật phải mang bản sắc Việt. Nghi thức tụng niệm, bảng biển, câu đối trong các chùa phải thuần Việt. Tránh tình trạng mặc cảm hóa văn hóa dân tộc và tự ti dân tộc.
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch,
Kính thưa,
 
Hòa cùng không khí hân hoan, tràn đầy niềm hoan hỷ của tăng ni, phật tử cả nước hướng đến chào mừng Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2022; tăng ni, phật tử Tp.Hồ Chí Minh xin được gửi lời chào trân trọng nhất và kính chúc quý Tôn đức Giáo phẩm Ban Chứng minh, Chủ Tọa đoàn, chư vị Quan khách, quý Đại biểu lời cầu nguyện an lạc và thành tựu mọi thiện sự.
 
Kính thưa Đại hội,
 
Với chủ đề “Trí tuệ - Kỷ cương - Hội nhập - Phát triển” được xây dựng làm nền tảng cho Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII nhiệm kỳ 2017-2022, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Tp.Hồ Chí Minh xin được chia sẻ một vài quan điểm như sau:
 
I. Xây dựng hình ảnh GHPGVN trong cộng đồng Phật giáo thế giới
 
1. Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một tổ chức Giáo hội được hợp nhất từ các Hệ phái, Tổ chức và Hội đoàn Phật giáo tại Việt Nam, nhằm tạo ra sức mạnh trí tuệ tập thể và tiếng nói chung đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại các diễn đàn thế giới và trong nước nhằm góp phần xây dựng hòa bình thế giới, bảo vệ và phát triển đất nước Việt Nam, phục vụ chúng sinh và dân tộc Việt Nam.
 
2. Cùng nhau nỗ lực xây dựng một đạo Phật Việt Nam theo hướng nhập thế, đồng hành với dân tộc, phụng sự đất nước và con người Việt Nam trong xu thế toàn cầu hóa, nhằm giúp các cộng đồng Việt Nam trong nước và ngoài nước tiếp nhận nền minh triết và đạo đức Phật giáo, trong việc giải phóng nỗi khổ niềm đau, hướng đến an vui và hạnh phúc.
 
3. Lãnh đạo Giáo hội cần thúc đẩy quản trị Giáo hội trên mọi công tác phật sự, đề ra các chính sách nhập thế mang tính ứng dụng và khả thi cao, nhằm đảm bảo sự hoằng dương Phật pháp thích ứng với thời đại và phù hợp với văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu tu học của các cộng đồng và con người Việt Nam.
 
4. Nêu cao vai trò và khả năng hợp tác quốc tế giữa Giáo hội Phật giáo Việt Nam với các Giáo hội và tổ chức Phật giáo khắp nơi trên thế giới, nhằm góp phần phụng sự con người và tất cả chúng sinh. Phát triển nguồn nhân lực Phật giáo thông qua sự hợp tác song phương với các Giáo hội Phật giáo và Tổ chức Phật giáo trong khu vực và thế giới, trong lĩnh vực giáo dục và hoằng pháp lâu dài, để tạo dựng hình ảnh Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng thế giới.
 
II. Cải cách giáo dục Phật giáo tại Việt Nam
 
1. Cấp bậc và khung thời gian:
 
Từ năm 1981 đến nay, giáo dục Phật giáo tại Việt Nam có nhiều cấp bậc: Sơ cấp Phật học (2 năm), Trung cấp Phật học (4 năm), Cao đẳng Phật học (2 năm), Cử nhân Phật học (4 năm), Thạc sĩ Phật học (2-3 năm) và Tiến sĩ Phật học (2-5 năm), để đào tạo một tiến sĩ Phật học, ta phải mất tối thiểu 16 năm.
 
So với các nước Phật giáo trong khu vực như Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện và Thái Lan, chương trình Phật học của ta tốn nhiều thời gian hơn. Nên chăng, chương trình Sơ cấp Phật học không cần thiết; Trung cấp Phật học chỉ cần 2 năm là đủ; Cao đẳng Phật học cần được đào tạo liên thông với các Học viện trong cả nước. Được như vậy, ta có thể rút ngắn từ 4-6 năm học mà vẫn đào tạo một tăng ni sinh có trình độ tương đương với sinh viên Phật học trên thế giới.
 
2. Sách giáo khoa:
 
Để đảm bảo sự đồng bộ về cơ cấu, mục tiêu, chương trình giáo dục Phật học, đạt tiêu chuẩn về chất lượng đào tạo Phật học, chương trình học các cấp Phật học phải được “giáo khoa hóa”.
 
Sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy phải đáp ứng yêu cầu về nguyên lý, hệ thống, và phương pháp sư phạm; giai đoạn 1, thành lập Ban Biên soạn sách giáo khoa với nhiệm vụ đánh giá và chọn lựa các sách (Phật học) đạt tiêu chuẩn giáo khoa; giai đoạn 2, trên cơ sở góp ý của các giảng viên đứng lớp, Ban Biên soạn cần hiệu đính, điều chỉnh để đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống trong công tác giáo dục.
 
3. Đào tạo liên tỉnh theo mô hình hằng năm và liên thông
 
Chương trình Phật học của ta từ trước đến nay được tuyển sinh và đào tạo theo khóa học từ 2 năm đến 4 năm, để đảm bảo tính tương tục giữa các khóa, các trường Phật học nên tuyển sinh hằng năm, chế độ lưu ban, thi lại hay học lại tín chỉ cần được áp dụng nơi học đường.
 
Nên tổ chức các trường Phật học theo mô hình liên tỉnh, hay liên khu vực, như thế giới vẫn thường làm. Mô hình này sẽ tiết kiệm được chi phí đào tạo, thu hút nhiều giảng viên giỏi đến từ nhiều địa phương và đảm bảo được chất lượng đào tạo đầu vào và đầu ra. Với mô hình đào tạo liên thông, tăng ni sinh tốt nghiệp Cao đẳng Phật học sẽ được học năm thứ 3 chương trình Cử nhân Phật học tại các Học viện; mô hình này sẽ giúp tăng ni sinh không mất thời gian 2 năm học lại chương trình đại cương của hệ Cử nhân.
 
4. Cơ sở vật chất và nhân sự
 
Các trường Phật học phải có đủ các điều kiện về phòng học, hội trường, phòng giáo viên, thư viện, Tăng xá và các phòng trang thiết bị giáo dục đạt tiêu chuẩn, nhằm tổ chức các hoạt động giáo dục Phật học và tu học nội trú một cách có hiệu quả.
 
Hội đồng điều hành Học viện, Ban Giám hiệu trường Cao đẳng/Trung cấp, Ban Giảng huấn, nhân viên văn phòng phải có đủ bằng cấp chuyên môn và kinh nghiệm điều hành. Hiệu trưởng trường Trung cấp Phật học phải có tối thiểu bằng Cử nhân Phật học hoặc bằng tương đương, tuổi đời từ 35 trở lên, tuổi hạ ít nhất 14 năm. Hiệu trưởng trường Cao đẳng Phật học phải có bằng Thạc sĩ Phật học hoặc bằng tương đương, tuổi đời từ 40 trở lên, tuổi hạ ít nhất 18 năm. Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tối thiểu phải có bằng Tiến sĩ Phật học hoặc bằng tương đương, tuổi đời từ 45 trở lên, tuổi hạ ít nhất 20 năm.
III. Hoằng pháp trong bối cảnh toàn cầu hóa
1. Đào tạo nhân sự hoằng pháp
 
Có hai loại nhân sự hoằng pháp chính yếu: Thứ nhất là các giảng sư, chuyên làm công việc giảng dạy Phật pháp cho phật tử tại các giảng đường và các lớp học giáo lý, thứ hai là các giáo lý viên. Giảng sư có thể là trụ trì hay tăng chúng của các tự viện, tối thiểu phải tốt nghiệp Cao đẳng Phật học; Giáo lý viên là những phật tử thuần hành có tâm quyết, đạo đức, tác phong, v.v… phải trải qua các lớp đào tạo chính quy về công tác hoằng pháp của Ban Hoằng Pháp TƯ hoặc tỉnh, thành trong các chương trình đào tạo đặc biệt và ngắn hạn.
 
Ngoài nội điển, các nhà hoằng pháp thời hiện đại cần được đào tạo về tâm lý giáo dục, tâm lý lứa tuổi và giới tính, kỹ năng nói chuyện trước công chúng, phương pháp thẩm âm, kỹ năng sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại, kiến thức tôn giáo và triết học, nghệ thuật đối thoại liên tôn giáo và liên triết học, nghệ thuật tiếp xúc và tư vấn tâm linh, đạo đức học và tâm lý học trị liệu v.v…
 
Mỗi Ban Hoằng pháp tỉnh, thành cần có nhiều lớp đào tạo giáo lý viên; mỗi chùa phải có tối thiểu 10 giáo lý viên dấn thân; giáo lý viên học cấp 3 có thể tham gia giảng dạy giáo lý viên cấp 2; giáo lý viên cấp 2 có thể tham gia giảng dạy giáo lý viên cấp 1; người trước dạy người sau, nguồn giáo lý viên của Phật giáo mới đủ sức đáp ứng cho nhu cầu tu học ngày càng đông và đa dạng của quảng đại quần chúng.
 
2. Các khóa tu dành cho phật tử
 
Ban Hoằng pháp TƯ và các tỉnh, thành cần mở rộng hai mô hình hoằng pháp đồng bộ tại địa bàn do mình trực tiếp quản lý và điều hành như sau:
 
a. Khóa tu cho người lớn: Bao gồm khóa tu Bát quan trai truyền thống, khóa tu Phật thất, Thiền thất, Mật thất và khóa tu “Một ngày an lạc”. Khóa tu Bát quan trai đáp ứng cho giới phật tử lâu năm, thích đời sống nội tĩnh. Các khóa tu liên hệ pháp môn gồm Thiền thất, Phật thất và Mật thất dành cho những phật tử thích trải nghiệm đời sống tâm linh tập trung trong một tuần lễ để nỗ lực chuyển hóa nỗi khổ niềm đau. 
 
Khóa tu Một ngày an lạc dành cho các phật tử mới, chú trọng việc nghe pháp, tụng kinh, sám hối nhằm giúp thân tâm hành giả thanh tịnh trong một ngày, phần lớn là ngày cuối tuần.
 
b. Khóa tu cho thanh thiếu niên: Các khóa tu dành cho tuổi trẻ do Báo Giác Ngộ, chùa Hoằng Pháp, Câu lạc bộ Hoằng pháp trẻ và Gia đình Phật tử v.v… tổ chức trong nhiều năm qua chỉ được diễn ra trong các tháng hè; nếu vậy, các hoạt động Phật pháp và đạo đức xã hội dành cho giới trẻ là quá ít so với nhu cầu thực tiễn của lứa tuổi năng động này. Các sinh hoạt trẻ này giúp các cháu thanh thiến niên sống có lý tưởng, phương hướng, không hưởng thụ xa hoa, không coi trọng tiền tài và danh vọng, tránh xa các tệ nạn xã hội, vượt qua các áp lực và thách đố, có tinh thần tự lập và giải quyết vấn nạn.
 
Mỗi chùa nên tổ chức các lớp Phật pháp cho giới trẻ, đặc biệt là giáo lý nhân thừa, nhằm giúp các thanh thiếu niên giữ gìn văn hóa gia đình, bản sắc văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo. Đây chính là cách giúp giới trẻ gắn bó với Phật giáo.
 
3. Hoằng pháp và nhu cầu liên ngành
 
Công tác hoằng pháp với sở trường giảng pháp, tư vấn tâm lý, hướng dẫn tâm linh, nên phối hợp với công tác từ thiện xã hội vốn có sở trường hỗ trợ vật chất và tặng phẩm cho các mảnh đời cơ nhỡ và bất hạnh, để có thể trao tặng cho người hữu duyên vật chất và chánh pháp. Do vậy, các hoạt động từ thiện sẽ là những cơ duyên thù thắng giúp cho nhà hoằng pháp thành công hơn trong công tác xiển dương chánh pháp.
 
Nhà hoằng pháp cần đề cao văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam bao gồm văn hóa y phục, văn hóa ăn chay, văn hóa giao tiếp, văn hóa công sở, để mọi thành phần không đánh mất văn hóa gốc trong cơn lốc toàn cầu hóa. Đối với dân tộc thiểu số, cần hướng dẫn con em họ tham gia vào các đội văn hóa văn nghệ truyền thống nhằm góp phần bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc.
 
Các nhà hoằng pháp cần truyền bá tinh thần bảo tồn văn hóa trong kiến trúc và mỹ thuật, đậm bản sắc Việt Nam. Phong cách thờ phượng, tượng và tranh ảnh Phật phải mang bản sắc Việt. Nghi thức tụng niệm, bảng biển, câu đối trong các chùa phải thuần Việt. Tránh tình trạng mặc cảm hóa văn hóa dân tộc và tự ti dân tộc.
 
4. Tiếp biến văn hóa ở Tây Nguyên
 
Đây là nền tảng giúp cho nhà hoằng pháp nắm bắt được những đặc thù văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số khắp mọi vùng miền trên đất nước, qua đó giúp công tác hoằng pháp được nhiều thuận duyên và thành tựu. Để tiếp biến văn hóa thành công, các nhà hoằng pháp cho dân tộc thiểu số phải học ngôn ngữ sắc tộc, ăn mặc giống với cộng đồng thiểu số, đồng sự với họ về văn hóa và lối sống thì mới có thể dẫn dắt họ tu học Phật pháp thành công.
 
Các bài kinh nhân thừa như Kinh Phước Đức, Kinh Từ Bi, Kinh Thiện Sinh, Kinh Người Áo Trắng, Kinh Pháp Cú, Kinh Vu lan, Kinh Phổ Môn và Kinh A Di Đà… sẽ rất thích hợp với người dân tộc thiểu số, cần phiên dịch các kinh vừa nêu trên ra ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số thì mới mong giúp họ hiểu được giáo lý Phật đà, đó là yếu tố trọng tâm giúp họ trung thành trọn đời với đạo Phật.
 
Kính bạch quý Tôn đức,
Kính thưa quý Liệt vị,
 
Qua các quan điểm nêu trên, Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tin tưởng rằng với sự năng động và sáng tạo trong giáo dục và hoằng pháp, sức sống của GHPGVN ngày càng mạnh mẽ hơn, đáp ứng được nhu cầu phật sự và tu học ngày càng lớn của tăng ni và phật tử khắp nơi trên mọi miền đất nước. Đây là những phương thức hữu hiệu nhằm xây dựng hình ảnh ngôi nhà GHPGVN luôn đồng hành và tỏa sáng trong cộng đồng Phật giáo năm châu trên thế giới.
 
Nhất tâm cầu nguyện chư Tôn đức Giáo phẩm và quý Quan khách lãnh đạo, chư Tôn đức, tăng ni, đồng bào phật tử các giới an lạc thân tâm và thành tựu mọi sở nguyện.
 
Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
Nam mô Thường Hoan Hỷ Bồ tát ma ha tát.

Tham luận của Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII
 
Nguồn Phatgiao Org.vn
 

Tin cùng chuyên mục

 
BAN THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG
CƠ QUAN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH ĐAK LAK
  Tổng biên tập: HT. Thích Châu Quang
Chịu trách nhiệm nội dung: ĐĐ. Thích Nguyên Huấn
  - Văn phòng: 117 Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đak Lak.
  - Bài viết xin gởi về theo địa chỉ Email: phatgiaodaklak@gmail.com
  - Ghi rõ nguồn phatgiaodaklak.org khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.
Email của VP. Ban Trị Sự - Nơi tiếp nhận các văn bản, giấy tờ hành chánh Giáo Hội
vpbtsphatgiaodaklak@gmail.com