Phật Giáo Việt Nam Tích Cực Trong Công Cuộc Xây Dựng Nông Thôn Mới

Phật giáo là một tôn giáo lớn ở Việt Nam, du nhập vào nước ta từ những năm đầu Công nguyên. Hiện nay Giáo hội đã thành lập được Ban Trị sự tại 63/63 tỉnh/thành trong cả nước, gồm 3 cấp hành chính: Trung ương, tỉnh thành phố và quận huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh với gần 50 ngàn tăng ni, hơn 18 ngàn tự viện, với hơn 16 triệu phật tử và hàng triệu người có tín ngưỡng đạo Phật... Trải qua thăng trầm của lịch sử dân tộc, Phật giáo Việt Nam không ngừng bám sát mục tiêu, đường hướng hành đạo: “Đạo pháp - Dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, có nhiều đóng góp khẳng định vị thế của mình trong lòng xã hội và nhân dân.
Ngay từ những ngày đầu du nhập, đến nay, các tín đồ Phật giáo Việt Nam đã không ngừng tích cực tham gia vào sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc và lao động sản xuất, góp phần vào sự phát triển đất nước. Đặc biệt, từ năm 1981, với sự ra đời của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tạo dấu mốc thống nhất Phật giáo trong cả nước trên cùng một chí hướng, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa cùng các tôn giáo khác trong khối đại đoàn kết dân tộc, phụng sự đạo pháp, phụng sự dân tộc vì lợi lạc quần sinh. 
 
Trên mọi mặt trận của đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lãnh đạo chức sắc, tăng ni, phật tử của mình dấn thân với tinh thần nhập thế sâu sắc của các danh tăng, thạc đức đi trước, hòa mình vào không khí đổi mới của đất nước và đạt được nhiều thành tựu rất đáng tự hào, đặc biệt trên lĩnh vực xây dựng nông thôn mới theo chương trình mục tiêu quốc gia.
 
Xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng do Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc, căn cứ tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (ngày 05/08/2008). Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam phê duyệt ngày 04/06/2010, đặt mục tiêu đến năm 2015 có 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới. 
 
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới gồm 11 nội dung: Quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội; Chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập; Giảm nghèo và an sinh xã hội; Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn; Phát triển giáo dục - đào tạo ở nông thôn; Phát triển y tế, chăm sóc sức khỏe cư dân nông thôn; Xây dựng đời sống văn hóa, thông tin và truyền thông nông thôn; Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Nâng cao chất lượng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn; Giữ vững an ninh, trật tự xã hội nông thôn.
 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử cả nước luôn nắm vững tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, sát sao với 11 nội dung xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở của niềm tin vững chắc về giáo lý Phật đà, căn cứ vào chương trình hoạt động hàng năm của Giáo hội mà Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam, Ban Hoằng Pháp và Ban Từ thiện xã hội cùng các ban ngành khác từ Trung ương Giáo hội đến địa phương đã tích cực vận động phật tử, tăng ni tham gia góp công, góp của thực hiện các tiêu chí nông thôn mới. 
 
Kể từ khi tiêu chí giao thông nông thôn mới được triển khai, cả hệ thống Giáo hội đã có sự phối hợp, tham gia cùng chính quyền các địa phương, thực hiện xây dựng nhiều cầu bê tông nông thôn. Theo báo cáo tổng kết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, hoạt động từ thiện xây mới, sửa chữa cầu đường liên quan đến giao thông của Ban Đại diện Phật giáo các tỉnh thành đã hỗ trợ xây dựng hàng trăm cầu bê tông và cầu gỗ được xây dựng mới cho các tỉnh miền Tây và Nam Bộ, nâng cấp đường, dải cát đá hàng nghìn tuyến đường nông thôn ở những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, bê tông hóa nhiều tuyến đường nông thôn với kinh phí hàng tỷ đồng.
 
Hoạt động từ thiện - xã hội của tăng ni, phật tử Việt Nam trong cả nước tập trung về các vùng nông thôn ở nhiều tỉnh, thành không chỉ là xây dựng cầu đường mà còn có các phần việc thiết thực khác, như: Hỗ trợ và ủng hộ đồng bào chịu hậu quả của thiên tai. Trước tình hình xảy ra sự cố môi trường hiện tượng hải sản chết bất thường hàng loạt tại vùng biển các tỉnh miền Trung làm ảnh hưởng đến đời sống của đồng bào ngư dân, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự đã có công văn số 046 ngày 03/05/2016, đề nghị Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, nhất là Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, tăng ni, phật tử tập trung quà cứu trợ và động viên bà con ngư dân bình tĩnh trước thảm họa này, tin tưởng vào các cấp lãnh đạo chính quyền và các nhà khoa học sớm tìm ra nguyên nhân, ổn định cuộc sống, tiếp tục ra khơi bám biển.
 
Do ảnh hưởng của mưa to và lũ lớn xảy ra tại các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa… đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hoa màu, làm cho cuộc sống của đồng bào tại các vùng thiên tai gặp nhiều khó khăn, Trung ương Giáo hội đã có Thông bạch số 385 ngày 17/10/2016 và Thông bạch số 481 ngày 19/12/2016, kêu gọi Ban TTXH Trung ương, Ban Trị sự và Ban TTXH các tỉnh, thành, tăng ni, phật tử các cơ sở tự viện cứu trợ đồng bào bị thiên tai, để giúp đồng bào sớm khắc phục khó khăn, vượt qua bão lũ, ổn định cuộc sống và tiếp tục phát triển kinh tế.
 ĐĐ.Thích Quảng Tiếp
Về y tế: 

Giáo hội có trên 150 cơ sở Tuệ Tĩnh đường, 655 phòng chẩn trị Y học Dân tộc, 01 phòng khám Đa khoa và hàng trăm phòng thuốc nam, châm cứu đang hoạt động có hiệu quả như: Tp.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Phú Yên, Ninh Thuận, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Vĩnh Long, Trà Vinh, Bình Dương, Bến Tre, Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Gia Lai, Bình Định v.v… đã khám và phát thuốc nam, thuốc tây, châm cứu, bấm huyệt cho hàng chục ngàn lượt bệnh nhân. Tổng chi phí điều trị ước tính hàng chục tỷ đồng.
 
Về giáo dục: 

Các lớp học tình thương, trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi… trong hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều hoạt động ổn định, có kết quả như: Trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ bị nhiễm HIV; Trung tâm hỗ trợ người bị nhiễm HIV/AIDS chùa Pháp Vân, chùa Thanh Am - Hà Nội; Trường nuôi dạy trẻ và khuyết tật, người già neo đơn tại Bắc Ninh, Tp.Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bình Dương, Quảng Trị, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Tây Ninh đã nuôi dưỡng gần 3.000 trẻ em mồ côi, cơ nhỡ và khuyết tật; chăm sóc hơn 1500 cụ già neo đơn. Nhìn chung, các cơ sở từ thiện của Giáo hội đều khang trang, tiện ích, góp phần chia sẻ gánh nặng cho xã hội, chi phí cho toàn bộ công tác này hàng chục ngàn tỷ đồng. 
 
Và các công tác từ thiện khác: 

Tăng ni, phật tử cả nước đã nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, ủng hộ tuyến đầu Tổ quốc, chiến sĩ biên phòng, Trường Sa, ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo, quỹ Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật, quỹ khuyến học, quỹ hội người mù, quỹ bảo trợ người cao tuổi, quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo, xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, tặng xe đạp, xe lăn, xe lắc, áo quan, gạo, quần áo, thuốc men, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, Quỹ Bảo thọ và nhiều công tác từ thiện khác… 
 
Tổng công tác TTXH trong cả năm là 1.330.513.688.000 đồng, trong đó Tp.Hồ Chí Minh đạt trên 327 tỷ đồng; đạt trên 50 tỷ đồng có các tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Phân ban Ni giới Trung ương; các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, An Giang, Tây Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hà Nội, Đắk Lắk đạt từ 20 đến 40 tỷ đồng; Lâm Đồng, Khánh Hòa, Cà Mau, Quảng Trị, Bình Phước, Ninh Thuận, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Bình Thuận, Kon Tum, Đắk Nông, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Gia Lai đạt từ 5 tỷ đến dưới 20 tỷ đồng; các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyện, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Cao Bằng, Thái Bình, Hưng Yên, Hậu Giang… đạt dưới 5 tỷ đồng.
 
Với mục tiêu gắn đạo với đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của Mặt trận Tổ quốc, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc để thúc đẩy và hoàn thành các mục tiêu trong nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới, giờ đây đã thật sự gắn liền với mọi công tác phật sự từ thiện xã hội của Phật giáo Việt Nam và chắc rằng tăng ni, phật tử Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy vai trò góp phần thiết thực trong công cuộc xây dựng quê hương đất nước ngày càng phát triển. 
 
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng còn một số hạn chế như về nguồn lực tài chính không tự có mà do các mạnh thường quân và tín đồ đóng góp nên đôi lúc chưa chủ động theo kế hoạch đã đề ra; sự chênh lệch về thu nhập giữa thành thị và nông thôn, giữa nơi có đông tín đồ và ít tín đồ nên hoạt động từ thiện xã hội giữa các nơi chưa đồng đều, nơi nhiều, nơi ít. 
 
Sự phối hợp giữa các Ban Trị sự cơ sở và các ngành, đoàn thể ở địa phương chưa chặt chẽ, chưa phát huy hết các mặt tích cực của các Ban Trị sự cơ sở… Do đó, để làm tốt hơn nữa vai trò của Phật giáo trong công cuộc xây dựng nông thôn mới đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao, đóng góp, ủng hộ tích cực hơn nữa của các cấp các ngành, các cơ quan, đoàn thể xã hội của Đảng, Nhà nước và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam./.
 
ĐĐ.TS.Thích Quảng Tiếp - Phó Trưởng BTS GHPGVN tỉnh Hòa Bình
Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 
 
 
 
 
 

Tin cùng chuyên mục

 
BAN THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG
CƠ QUAN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH ĐAK LAK
  Tổng biên tập: HT. Thích Châu Quang
Chịu trách nhiệm nội dung: ĐĐ. Thích Nguyên Huấn
  - Văn phòng: 117 Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đak Lak.
  - Bài viết xin gởi về theo địa chỉ Email: phatgiaodaklak@gmail.com
  - Ghi rõ nguồn phatgiaodaklak.org khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.
Email của VP. Ban Trị Sự - Nơi tiếp nhận các văn bản, giấy tờ hành chánh Giáo Hội
vpbtsphatgiaodaklak@gmail.com