Nhiệm Vụ Hoằng Pháp Của Người Đệ Tử Phật

BBT Website ĐakLak; Trân trọng giới thiệu tham luận của Ban Hoằng pháp Tỉnh đọc tại Đại hội đại biểu Phật giáo Tỉnh ĐakLak lần thứ 7 ngày 25.8.2017 tổ chức tại tiền sảnh chùa Sắc tứ khải Đoan.



A. DẪN NHẬP

Sau khi thành tựu Chánh Đẳng Chánh Giác, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã đi du hóa khắp Ấn Độ để chỉ dạy cho chúng sinh con đường vượt thoát khổ đau, đạt được Niết bàn an lạc. Ngài đã khuyến khích các Tỳ kheo: “Này các Tỳ kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người[1].
Tính thiết thực trong lời dạy của Phật là con đường tu tập vượt thoát khổ đau, đem lại hạnh phúc, an lạc cho chúng sinh, cho tất cả các loài hữu tình. Trải qua hai mươi sáu thế kỷ, lời dạy của Ngài vẫn còn nguyên giá trị và là lời khích lệ lớn lao nhất cho hàng sứ giả Như Lai thực hiện hạnh nguyện độ sanh đem giáo pháp đi vào đời.
B. NỘI DUNG
I. Nhiệm Vụ Của Người Hoằng Pháp
Nhiệm vụ của người hoằng pháp là truyền bá lời Phật dạy đến với mọi tầng lớp trong xã hội. Để thực hiện được mục tiêu của mình, người hoằng pháp cần phải trang bị đầy đủ kiến thức Phật học cũng như thế học, phải có kiến thức chuyên môn về nội điển, phát triển kỷ năng hành đạo và lòng nhiệt thành với sứ mạng hoằng pháp.
1. Kiến thức chuyên môn về “Nội điển”
Để trở thành sứ giả Như Lai, người hoằng pháp phải trang bị cho mình đầy đủ Tam vô lậu học tức là Giới học, Định học và Tuệ học. “Chỗ nào có giới hạnh, chỗ ấy có trí tuệ; chỗ nào có trí tuệ, chỗ ấy có giới hạnh. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ, người có trí tuệ, nhất định có giới hạnh. Giới hạnh và trí tuệ được xem là tối thắng ở trên đời[2]”. Nói cách khác, một người hoằng pháp không những xa rời sự tham dục và những trạng thái xấu ác; mà còn có đời sống thanh tịnh, phòng hộ các căn, tiết độ trong ăn uống, chánh niệm và tỉnh giác[3]. Người tu sĩ như thế đáng được kính trọng và được gọi là vị tỳ kheo mẫu mực. Để giải thoát mọi tham dục và phiền não thông thường. Đức Phật kết luận rằng một Tỳ kheo hoàn hảo được đề cập với 8 đặc tính:
Khi nào, này các Tỳ kheo, vị ấy có lòng tin, có giới, có nghe nhiều, có thuyết pháp, có sống với hội chúng, có vô úy thuyết pháp cho hội chúng, với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, chứng được không khó khăn, chứng được không mệt mõi, chứng được không phí sức, do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát; như vậy, vị ấy
được đầy đủ chi phần ấy. Thành tựu 8 pháp này, này các Tỳ kheo, Tỳ kheo được tịnh tín hoàn toàn và được viên mãn về mọi phương diện[4]. Đó là những nền tảng về đời sống hoàn hảo của người hoằng pháp.
2. Kỹ năng hoằng pháp
Trên cơ sở có kiến thức về nội điển, người hoằng pháp còn có khả năng phân tích và tổng hợp các dữ liệu từ các tôn giáo khác cũng như các kiến thức cần phải có.
Ngũ minh[5] là một giáo lý quen thuộc thường được nhắc đến rất nhiều trong luận tạng. Là năm môn học mà mỗi người hoằng pháp cần phải hiểu rõ và trang bị cho mình. Năm môn học này gồm có: nội minh, nhân minh, thanh minh, công xảo minh và y phương minh.
- Nội minh: là kiến thức nội điển, thông rõ tam tạng giáo điển Kinh, Luật, Luận của Phật giáo và có kinh nghiệm thực hành trong tu tập.
- Nhân minh: là khả năng phân biệt được chánh, tà, đúng, sai... là thông thạo luận lý, lý giải, biện chứng.
- Thanh minh: là khả năng thông thạo về ngôn ngữ, văn tự, phiên dịch, trước tác, diễn giảng, trao đổi văn hóa.
- Công xảo minh: là khả năng thông thạo về nghề nghiệp, toán học, khoa học, kỷ thuật số, công nghệ thông tin.
- Y phương minh: là khả năng hiểu biết về y lý, dược liệu, thuốc men, trị bệnh.
3. Lòng nhiệt thành với sứ mạng hoằng pháp
Chư Phật và Bồ Tát thị hiện trên cuộc đời này, đều lấy chí nguyện độ sanh làm sự nghiệp “Hoằng pháp vi gia vụ, Lợi sanh vi sự nghiệp”. Lời nói của các Ngài là “kim ngôn ngọc ngữ” đáng để lưu truyền trong nhân gian, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi người noi theo.
“Như bông hoa tươi đẹp
Có sắc lại thêm hương
Cũng vậy lời khéo nói
Có làm có kết quả” (PC câu 52)
Người hoằng pháp lấy chúng sanh làm đối tượng giáo hóa, lấy chí nguyện làm lợi ích nhân gian để hòa nhập vào đời. Hình ảnh đức Phật du phương hóa độ suốt 45 năm không ngừng nghỉ. Hình ảnh tôn giả Phú Lâu Na[6] và chúng Tỳ kheo dấn thân hành đạo không sợ nguy nan đã cho chúng ta những bài học quý giá.
Trong công tác hoằng pháp, một Tỳ kheo cần có những đức tính sau đây:
1- Thông hiểu giáo nghĩa; 2- Nói năng lưu loát; 3- Không lo sợ trước đám đông; 4- Biện tài vô ngại; 5- Vận dụng phương tiện khôn khéo; 6- Tùy theo cảnh mà giáo hóa; 7- Ðầy đủ oai nghi; 8- Tinh tấn dũng mãnh; 9- Thân tâm tráng kiện; 10- Có đầy đủ uy lực.
Nầy các Tỷ Kheo! Phú Lâu Na là một người có đầy đủ các đức tính ấy, ta không còn e ngại gì nữa mà không ủy thác cho Phú Lâu Na đến xứ Duna để giáo hóa.
II. Phương Hướng Phụng Sự
1. Vai trò của người xuất gia
Hành giả xuất gia là những Tỳ kheo thực hành việc Phật: “Tác Như Lai xứ, Hành Như Lai sự”, là những người mô phạm cho chúng sanh. Lấy sự nghiệp hoằng pháp làm nhiệm vụ của mình, lấy tinh thần lợi sanh làm hoài bảo. Trong trách nhiệm của mình “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh”, đối với tự thân, người xuất gia luôn nổ lực trau dồi đời sống phạm hạnh, tu tập “Tam vô lậu học” để sống đời an lạc, giải thoát làm nơi nương tựa cho tín đồ.
Không ngừng nâng cao kiến thức Phật học, nghiên cứu kinh điển, làm tư lương cho hạnh nguyện phụng sự chúng sanh, dẫn dắt cư sĩ đi trên con đường chân chính, đoạn tận khổ đau, xây dựng hạnh phúc ngay trong cuộc đời này.
2. Vai trò của người cư sĩ
Bên cạnh hàng xuất gia còn có các hàng cư sĩ tín tâm hộ pháp. Nhìn lại lịch sử từ thời Phật còn tại thế đã có các cư sĩ thuộc hàng vương giả, tiêu biểu như vua Ba Tư Nặc, vua Tần Bà Sa La, hoàng hậu Vi Đề Hy, tín nữ Visakha, cư sĩ Cấp Cô Độc, Lương y Jīvaka … ở Việt Nam thời Lý Trần có vua Lý Công Uẩn, vua Trần Thái Tôn, Trần Nhân Tông …, thời cận đại có Chánh Trí-Mai Thọ Truyền, Thiều Chiểu-Nguyễn Hữu Kha, Bác sĩ Tâm Minh-Lê Đình Thám, các học giả: Trần Trọng Kim, Đoàn Trung Còn, Cư sĩ Võ Đình Cường v.v... là những cư sĩ đã viết nên những trang sử vàng son của Phật giáo và trở thành biểu tượng rực sáng xuyên suốt các thời đại, đem  ánh sáng chân lý của đức Phật truyền bá khắp nhân gian.
Trong bảy pháp thăng tiến của người cư sĩ được Phật dạy trong kinh Tăng chi chuyên chở cả hai nội dung, hộ pháp và hoằng pháp[7].
Trong bài viết “Mẫu hình người cư sĩ lý tưởng”, tác giả Chúc Phú phân tích ba hình thức hộ pháp của người cư sĩ. “Thứ nhất là hỗ trợ các phương tiện và điều kiện sống cho Tăng đoàn. Thứ hai là hỗ trợ về không gian tu tập. Thứ ba là giữ gìn những phương tiện có liên quan đến Tam bảo như kinh điển, chùa chiền, thanh danh đạo Phật[8]”, v.v…
3. Thực hiện hoài bảo hoằng pháp
Để thích nghi với sự phát triển của xã hội hiện đại. Trước hết mỗi tự viện, tịnh xá, niệm Phật đường … Các vị trụ trì, các ban hộ trì Tam bảo cần phải có sự thay đổi về nội dung lẫn hình thức tu tập, tích cực mở các khóa tu 1 ngày, 3 ngày hoặc 7 ngày.
Trong đó có thuyết giảng, hội họa, âm nhạc… hướng dẫn mọi người sống “lạc quan” - “năng động” - “hướng thiện” và “hạnh phúc”. Hạnh phúc là niềm mơ ước muôn thuở của con người. Không ai sống trên trái đất này mà không có ước mơ được hạnh phúc.
Hoằng pháp không chỉ có giảng kinh thuyết pháp thuần túy như xưa nay, mà còn phải có tu tập và hành trì ngay trong đời sống của mình. Để hòa nhập với các sinh hoạt cộng đồng như văn hóa nghệ thuật, báo chí điện ảnh, triển lãm hội họa, từ thiện xã hội vv… rất cần đến sự đóng góp tham gia của Hoằng pháp viên cư sĩ.
Cư sĩ tại gia đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình ổn định và phát triển giáo pháp. Là những người gắn liền các hoạt động giữa đạo và đời, giữa Phật giáo và xã hội.
III. Phát Huy Tinh Thần Hòa Hợp
1. Các dân tộc sống chung hòa hợp
Tỉnh Đắk Lắk được thành lập năm 1904, đặt dưới quyền cai trị của Khâm sứ Trung Kỳ[9]. nằm ở trung tâm Tây NguyênViệt Nam. Được tái lập trên cơ sở tách tỉnh Đăk Lăk thành hai tỉnh Đắk Lắk và Đăk Nông[10] năm 2003
Theo thống kê của tổng cục thống kê Việt Nam, tính đến tháng 4 năm 2009, toàn tỉnh Đắk Lắk có 47 dân tộc cùng người nước ngoài sinh sống. Trong đó dân tộc kinh chiếm tỷ lệ đông nhất, thứ hai là người Ê Đê, thứ ba là người Nùng[11]… và nhiều sắc tộc có tín ngưỡng đặc thù theo phong tục tập quán của bản địa.
Toàn tỉnh Đắk Lắk có 13 Tôn giáo khác nhau. Trong đó, nhiều nhất là đạo Công giáo, thứ hai là đạo Tin Lành, thứ ba là Phật giáo[12] … và các tôn giáo khác cùng nhau sinh hoạt và phát triển tín ngưỡng theo đức tin của mình.
2. Tinh thần nhập thế
Từ khi Phật giáo được truyền bá đến Việt Nam, với tinh thần nhập thế “Phật pháp tại thế gian bất ly thế gian giác...”, qua quá trình tiếp xúc với nền văn hoá bản địa, Phật giáo đã hòa mình vào nền văn hóa truyền thống dân tộc, đồng hành và cùng phát triển.
Phật giáo truyền bá đến vùng cao nguyên Đắk Lắk từ những năm 1880[13], khi ấy dân cư còn thưa thớt, phần lớn là người dân tộc thiểu số, sống với nghề trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn với tập tục văn hóa du canh, du cư.
Đầu những năm 1950 Phật giáo bắt đầu khởi sắc, Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa đầu tiên của tổ chức Phật Giáo có mặt tại Đắk Lắk. Trải qua nhiều giai đoạn, Khải Đoan là trụ sở của Phật giáo, lại là ngôi chùa đầu tiên có mặt tại Đắk Lắk và là cái nôi Phật Giáo Tây nguyên; Dân gian quen gọi là chùa lớn hay chùa tỉnh[14], từ đây hàng trăm ngôi chùa khác trong tỉnh được hình thành, như: chùa Phổ Minh, chùa Dược Sư, tịnh xá Ngọc Quang .vv…
3. Tiếp nối hạnh nguyện độ sanh
Trải qua 6 kỳ Đại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Đắk Lắk[15]., từ năm 1986 đến năm 2017 với số lượng tăng ni và tự viện tăng dần, công tác tổ chức hành chánh, hoằng pháp, văn hóa … đã đi vào ổn định.
Nhiệm kỳ I (1986-1990) chỉ có 12 thành viên BTS, trong đó có 06 chư Tôn đức Tăng Ni và 06 vị cư sĩ đảm nhận 16 chức vụ của Ban Trị sự.
Bước sang nhiệm kỳ VI (2012-2017) đã có 46 thành viên BTS, với 7 Ban và 03 Phân ban trực thuộc, có 10/15 Ban Trị sự GHPGVN thành phố, thị xã, huyện được thành lập.
Trong những năm đầu thành lập Ban Trị Sự GHPGVN tỉnh Đắk Lắk, lúc bấy giờ chỉ có 25 vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, Sa Di và Chúng điệu, có 53 đơn vị tự viện và cả tỉnh chỉ có khoảng hơn 10.000 Phật tử quy y Tam Bảo.
Đến nay, nhiệm kỳ VII (2017 - 2022), qua hơn 30 năm hình thành, ổn định và phát triển, Phật giáo Đắk Lắk đã có đến 207 đơn vị[16] cơ sở tự viện Phật giáo, với hơn 700 Tăng Ni và Chúng Điệu. Có trên 190 ngàn Phật tử người kinh và đồng bào dân tộc ít người cùng nhau tu học.
4. Đề xuất
Để tăng trưởng đạo hạnh và kinh nghiệm hành đạo cho các vị tân trụ trì cũng như bồi dưỡng thêm kiến thức Phật học cho các giảng sư trong thời hội nhập. Phật giáo tỉnh nhà cần mở thêm những khóa tập huấn nhằm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ Hoằng pháp viên cư sĩ trên nhiều lãnh vực chuyên môn, đây là một nhu cầu cần thiết vừa phát huy tác dụng nội lực của Tăng ni trẻ vừa phát huy tinh thần phụng sự của người cư sĩ để đáp ứng công tác Phật sự hộ trì và hoằng pháp như hiện nay.
Chúng con mạo muội đề xuất lên Trung Ương Giáo Hội và Ban Trị sự Phật giáo tỉnh nhà ba điều:
Thứ nhất: Mở thêm các khóa “Bồi dưỡng trụ trì và nghiệp vụ hoằng pháp” ngắn ngày dành cho tân trụ trì và các giảng sư tại tỉnh Đắk Lắk
Thứ hai: Mở thêm các khóa tập huấn dành cho “Hoằng pháp viên cư sĩ”.
Thứ ba: Nếu có thể được, xin phép chư tôn đức lãnh đạo Giáo hội và các cấp chính quyền cho phép thành lập “Tiểu phân ban hoằng pháp viên cư sĩ” để nâng cao vai trò hộ trì và hoằng pháp của người phật tử tại gia.
Để truyền bá Phật pháp đến các giới, các nơi, các tầng lớp trong xã hội, chỉ có người cư sĩ tại gia mới có điều kiện, phương tiện đem giáo pháp đi vào xóm làng, phố chợ, quán bar, nhà hàng, xí nghiệp, rạp hát vv… làm được điều này cũng là góp phần thực hiện chương trình “Phật Hóa Gia Đình” mà Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương đã đề ra năm 2004.
C. KẾT LUẬN
Bước vào giai đoạn mới, dưới sự lãnh đạo của chư tôn đức Thường trực BTS và các ủy viên vững chãi về đời sống tâm linh, đạo lực sâu dày, trí tuệ mẫn tiệp, tham gia điều hành các Ban và Phân ban trực thuộc trên tinh thần đoàn kết, hòa hợp phụng sự nhân sinh đã vạch ra đường hướng hành đạo, cùng chung niềm hoan hỷ gánh vác trọng trách Phật sự, hóa độ nhân sanh, đặt quyền lợi đạo pháp, dân tộc, tổ quốc lên hàng đầu.
Hàng Tăng Ni chúng con tin tưởng rằng dưới sự lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Ban Tri sự GHPGVN tỉnh Đắk Lắk cùng sự trợ duyên gắn kết của các cấp chính quyền sẽ lèo lái con thuyền chánh pháp đem lại an lạc và hạnh phúc cho nhân sanh.
Thành tâm kính chúc chư tôn đức Giáo phẩm HĐTS GHPGVN tứ đại đều hòa, tuệ đăng tỏ rạng,
Kính chúc Chư tôn đức BTS Phật giáo các tỉnh thành Phật sự viên dung,
Kính chúc Chư vị Đại biểu khách quý thân khỏe tâm an, cống hiến tận tình,
Kính chúc Đại Hội thành công tốt đẹp.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Ban Hoằng Pháp GHPGVN tỉnh DakLak
   TK. Giác Phổ
 

[1] Đại tạng kinh Việt Nam, Trường Bộ kinh I,  Kinh Đại Bổn, VNCPHVN, 1991, tr.502

[2] Đại tạng kinh Việt Nam, Trường Bộ kinh I, Kinh Sonadanda, VNCPHVN, ấn hành 1991, tr.222
[3] Đại tạng kinh Việt Nam, Kinh Trung Bộ I, Đại Kinh Xóm Ngựa, VNCPHVN, ấn hành 1991, tr.593
[4] ĐTKVN, Kinh Tăng Chi Bộ IV, Chương Tám Pháp, Phẩm Song Đôi,  VNCPHVN, ấn hành 1991, tr 10
[5] Phật Học Phổ Thông, Quyển Nhứt, THPGTPHCM, ấn hành 1997, tr 180
[6] Thích Minh Tuệ, Phật và Thánh Chúng, THPGTPHCM ấn hành 1991, tr 171
[7] ĐTKVN, Kinh Tăng chi bộ 3, chương Bảy pháp, phẩm Bạt kỳ, kinh Bất hạnh thối đọa, VNCPHVN ấn hành 1996, tr.315
[8] http://giacngo.vn/nguyetsan/phathocungdung/2013/01/24/3F4013/
[9] Xem webside: vi.wikipedia.org/wiki/Đắk_Lắk
[11] Kết quả toàn bộ tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009. do Tổng Cục Thống kê Việt Nam thực hiện. Xem vi.wikipedia.org
[12] Cùng nguồn tư liệu với chú thích 10
[13] Lễ vinh danh cây Bồ đề 132 năm tuổi, webside: phatgiaodaklak.org.
[14] Xem http://phatgiaodaklak.org/co-so/chua-trong-tinh/dak-lak-lich-su-chua-sac-tu-khai-doan-toa-lac-tai-thanh-pho-buon-ma-thuot.html
[15] Xem tổng hợp các báo cáo tổng kết của BTS. GHPGVN tỉnh Đak Lak
[16] (trong đó: có 154 đơn vị được Nhà nước và Giáo hội chấp thuận chính thức sinh hoạt tôn giáo, 53 đơn vị đang trong quá trình làm thủ tục xin phép thành lập)

Tin cùng chuyên mục

 
BAN THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG
CƠ QUAN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH ĐAK LAK
  Tổng biên tập: HT. Thích Châu Quang
Chịu trách nhiệm nội dung: ĐĐ. Thích Nguyên Huấn
  - Văn phòng: 117 Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đak Lak.
  - Bài viết xin gởi về theo địa chỉ Email: phatgiaodaklak@gmail.com
  - Ghi rõ nguồn phatgiaodaklak.org khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.
Email của VP. Ban Trị Sự - Nơi tiếp nhận các văn bản, giấy tờ hành chánh Giáo Hội
vpbtsphatgiaodaklak@gmail.com