Ánh Đạo Vàng sáng giữa mùa xuân…

Hằng năm cứ mỗi độ cuối đông, tiết trời đang bước sang Xuân - toàn thể Phật tử trên khắp thế giới, đều long trọng tổ chức lễ kỷ niệm ngày Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo (vào ngày mùng tám tháng mười hai âm lịch).
       Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, sau sáu năm khổ hạnh tu tập, Đức Bổn Sư đã chứng đạo dưới cội Bồ đề, thuộc vùng Uruvela (Ưu Lâu Tần Loa) gần thị trấn Gaya (nay là Bodhgaya - Bồ đề Đạo Tràng), tiểu bang Bihar, Đông bắc Ấn Độ.

       Ngài cũng đã bày tỏ cảm tưởng sau khi đạt đến chân giác ngộ tuyệt đình mà đã trải qua bao kiếp sống, bao tháng năm tu tập khổ luyện - như là mình vừa thoát khỏi ngục tù, bước vào một trang đời hoàn toàn mới và vô cùng hân hoan vì sự giác ngộ và giải thoát toàn triệt cho chính cuộc đời mình:
 “Lang thang bao kiếp sống
Trong sanh tử luân hồi
Ta tìm nhưng chẳng gặp
Người xây dựng nhà này
Tái sanh thật khổ thay.
Ôi người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi
Ngươi không làm nhà nữa,
Đòn tay ngươi gãy rồi
Kèo cột người tan nát,
Tâm ta đạt an ổn
Tham ái thảy tiêu vong”
(Pháp Cú 153 & 154).
           Đêm ấy là ngày trăng tròn tháng Tithakhu (theo lịch của Ấn Độ), tức nhằm ngày mùng tám tháng 12 theo lịch của Trung Hoa, lúc Ngài vừa tròn 35 tuổi, đúng vào năm 590 trướcTây Lịch…Khởi nguồn từ đêm lịch sử ấy – ánh Đạo Vàng đã không ngừng chói sáng, rạn rỡ trong hằng triệu triệu trái tim nhân loại để cùng tiến về bến bờ an lạc chân thực, vĩnh hằng cho đời mình!
          Bày tỏ niềm kính ngưỡng và tri ân nhân ngày Đức Phật thành Đạo – nhà thơ Chơn Ngữ đã thốt lên :
        “ Lành thay! Đời có Đạo Vàng
           Sáng soi khắp cõi – đường quang, nẽo về
           Mừng ngày thấy được Chân Quê
           Tâm hương dâng gởi, lời thề sắc son! “
         Nhớ lại đêm lịch sử thiêng liêng ấy, người thơ Phan Thị Hiệp đã bày tỏ:
         “ (...) Sấm nổ vang trời, muôn ngàn chớp giật
             Người ngồi yên thiền quán – mặc mưa tuôn
             Người nghiệm ra sự hiểu biết, yêu thương
             Làm chuyễn hóa bao niềm đau, sầu hận! (..) “
         Nhà thơ Nguyễn Miên Thương ghi lại cảm xúc về “ Xuân Thành Đạo “ thật chí thành:
         “ Đất trời bổng sáng dị thường
            Trần gian khai Hội – mười phương Đạo Vàng
            Nắng Xuân hoa cỏ rộn ràng
            Nghìn con én lượn về ngang lưng trời(..) “
         Hòa cùng niềm hân hoan chung, Ngọc Ninh đã “ Mừng Ngày Đắc Đạo” bằng vần thơ mộc mạc, mà thắm tình:
         “ Con qùy trước tượng Đấng Như Lai
            Châm nén tâm hương tưởng niệm Ngài
            Độ chúng sanh mê – rời biển tục
           Truyền Kinh hậu thế thoát trần ai
           Nhất phẩm vô ưu, ngời vạn tuế
           Tâm thông rực sáng bổn liên đâì “
       Nhà thơ Lê bá Duy “ Đi Lễ Chùa “ với  đoạn thơ ngũ ngôn tứ tuyêt trong sáng, hồn nhiên:
          “ Đầu năm đi lễ chùa
             Đóa Vô ưu rộ nở
             Nắng hồng xuân trong mắt
             Sưởi ấm nhành hoa thơ “
       Với ý tưởng mùa Xuân mang đến cho người bao diều ước mơ & hy vọng – Trương Thị Giàu đã “ Gánh Xuân “ đi khắp phố phường để “ bán “ cho người tình thương yêu…
        “ (…) Một mình một gánh gian truân
              Chiều Xuân lạc bước buâng khuâng cuối đường
              Gánh Xuân đi khắp phố phường
              Bán Xuân với cả tình thươg dâng người (..) “
       Vui mừng nhân ngày trọng đại Phật thành Đạo, cùng với mùa Xuân với bao hy vong đang về - nhà thơ Nguyên Thọ -BCT đã ghi trọn cảm nhận về “ Chùa Quê Mùa Xuân “ với niềm tin & cảm xúc dạt dào:
          “ Từ đâu
             chim én bay về
             Đậu trên mái ngói chùa quê gọi bầy
             Hương trầm xông ngát sáng nay
             Thầy lần chuỗi hạt, đón ngày Xuân sang
             Hoàng Mai vừa nở dịu dàng
             Sau ngày bão lũ
              ngập tràn niềm tin
              Cõi thiền nắng trải lung linh
              Người về chiêm bái, thắm tình ân sâu! “
       Trong tình cảm sâu sắc đặc biệt ấy – Ngô Quang Thi đã có một “ Giấc Mơ Xuân “ thật nồng nàn & thơ mộng..
           “ (…) Trăng kề lọt bóng song thưa
                Chùm hoa thuở trước hương đưa đến giờ
             Chày kinh lay hạt sương mơ
             Hồ sen nở nhụy, vàng huơ của Thiền (..) “
        Với niềm hân hoan sẵn có ắp đầy trong lòng, với mùa Xuân đang đếm bước hồn nhiên trở lại với Người – Vĩnh Hiền đã cảm thấy “ Xuân Mới “ cũng đang chớm nụ với đời mình bằng đoạn ngũ ngôn tứ tuyệt thắm đượm đạo vị:
            “ Xuân mới, vườn xanh mới
               Ngào ngạt đất hương xông
               Đi trong mùa hoa cải
               Niềm vui như trăng Rằm! “
      Nhà thơ của xứ Hoa Đào Phan Thành Minh với “ Niệm Khúc Lá “  thật êm đềm & lãng mạn khi mùa Xuân đang đến :
           “  Em đội mâm lễ lên chùa
               Con trăng mười bốn cợt đùa áo lam
               Tóc đuôi gà thắt nơ cam
                Bờ môi cẩn nguyệt em làm khổ ai? (..) “
       Đào Phước Giao cũng rất đồng cảm với “ Tình Xuân “ – nhưng thoáng chút ngậm ngùi về cõi vô thường của phận người:
        “    Đi gom hạt nắng trên ngàn
              Đem về ươm nụ cả vườn hoa xuân
              Xuân đi – xuân đến, mấy lần?
              Giật mình đếm tuổi phong trần bao năm? “
       LV-Phùng Hữu Hoàng từ phố biển gởi “ Thơ Lên Phố Núi “ với tình cảm chân thành, dào dạt trong ngày vui & mùa xuân chung :
         “ Cảm mến tình thơ trên Phố Núi
            Gởi thơ phố biển đến non cao
            Thơ núi : Cồng chiên tràn dũng khí
            Thâm tình, thơ biển sóng xôn xao! “
       Với sự chuyễn đổi mầu nhiệm của mùa Xuân từ thiên nhiên, lòng người cũng đã bắt gặp ở chính mình những sự chuyễn hóa rất mới lạ & ấm áp.  Triệu Nguyên Phong đã “ Hát Hội Mùa Xuân “ thật nghĩa tình:
          “ Theo nhau
          về hội
          đồng xanh
          Em lam lũ vẽ bức tranh
          quê nhà
          Miệt mài sông gánh phù sa
          Lúa vàng đượm khúc dân ca trữ tình (…) “
      Và “ Sắc Xuân “ của Nhật Quang đầy mầu sắc & hình ảnh nên thơ :
        “Xuân về tô điểm bốn mùa
          Tô son duyên dáng mái chùa chân mây
           Nhành đâò thấp thoáng bóng cây
           Mặt hồ trăng tỏ vơi đầy sắc hoa
           Chim về sớm tối hát ca
           Chung xây tổ ấm mái nhà chúng sanh (…) “
      “ Chiều Xuân Viếng Chùa “ của Bùi Văn Thọ đượm nét hồn nhiên, giản dị :
          “ Chiều xuân theo Mẹ viếng thăm chùa
             Trời rắc mầm xuân những giọt thưa
             Vội vã băng qua nhiều thửa ruộng
             Tổi đình Thiên Phước đến hay chưa? “
         Với thể thơ Đường – thất ngôn bát cú – nhà thơ Hạnh Phương đã ghi lại “ Giai Điệu Mùa Xuân “ bằng những rung cảm chứa chan nồng thắm :
          “  Phúc lộc thanh tân mãi rưới chan
             Tri âm giao hưởng vọng tơ dàn
              Niềm – Trong thi tứ lòng trong tuyết
              Giá – Ngọc  vừa hương phẩm ngọc lan
              Ấp ủ tự bao ngày khát vọng
              Ước ao từng phút buổi chiêm quan
              Từ muôn phương đến trăm chiều lại
              Chan chứa tình Xuân biếc núi ngàn “
       Người thơ Lê Thị Minh Nghiệm “ Nghe Câu Hát Lượn Ngày Xuân “ thật thiết tha & trong sáng:
         “  Mùa xuân có tự bao giờ
            Để câu hát cứ lượn lờ quanh em
            Để cho lạ bổng thành quen
            Để cho đêm bổng bừng lên ánh ngày
           …
            Kìa sao có chuyện lạ lùng
            Mùa xuân – câu hát, theo cùng nhớ thương! “
      Trong cõi mơ mộng & cô độc, người thơ vẫn thường “ Tỏ Tình Cùng Xuân “ thật ngọt ngào, thao thiết như Mã Nhược Mai đã tâm sự:
           “ Em về dưới hạt mưa xuân
              Giọt bay lất phất tiễn chân buổi này
              Còn anh ngồi nán lại đây
              Ý xuân vừa chớm, đong đầy tình em! “
        Và hãy lắng nghe người thơ Nguyễn Tấn Thái “ Tỏ Tình “  cùng xuân quê nhà:
            “ Tình em mầu lá bình yên
                Xuân ca nhã ngọc suốt miền tươi xanh
                Dịu thơm lụa thắm an lành
                 Duy Xuyên tơ nắng long lanh vui cừoi

                Ngày xa ôm trọn tình người
                Khắc ghi cùng cuộc ngược xuôi khắp miền
                Tình em nguyên vẹn. như nhiên
                Thăng Bình mến gởi nỗi niềm yêu thương “
        Cùng với muôn hoa khoe sắc, Hoàng Hà- Bùi Châu Thạch, cũng đã nhìn thấy đóa “ Hoa Tâm “ bừng nở giữa mùa vui Thành Đạo và Xuân của đất trời:
          “ Hoa Tâm nở ngát vườn hồng
             Tiếng chim ríu rít ấm nồng ngày Xuân
             Cành thương đượm trái trong ngần
             Long lanh mắt Mẹ - bâng khuâng nỗi niềm! “
        Nhớ quê – là nhớ Mẹ, bởi nơi chôn nhau cắt rún ấy – tình Mẹ đã sớm khuya làm nên “ quê nhà“ . Ngọc Tánh đã có cảm nhận như vậy trong “ Nhớ Quê “:
           “ Nhớ quê con nước rạc ròng
              Thương thân cò lội mấy vòng thời gian
              Thương cha đi sớm vội vàng
              Niềm riêng nỗi Mẹ cơ hàn đắn đo
               Lòng con xao xít buồn lo
              Nhớ quê – nhớ Mẹ, câu hò đêm trăng “
        Người thơ Duy Hiền nghĩ về “ Mẹ Quê “ của mình thật chí tình:
          “ (…) Cua dồng Mẹ bắt từng con
                Ngắt chùm rau bợ, lon ton đem về
                Mẹ thường nhặt củi bờ tre
                Lát mì cõng gạo, muối mè dầm tương
                Kể sao hết nỗi lo toan
                Ân sâu nghĩa nặng cội nguồn bao la! “
       Trang “Hoa Tâm Trong Vườn Đạo”  đã được người thơ Nguyễn Thị Sô gọi là “ Vườn Hoa Xuân” với niềm hân hoan & hy vọng cùng với Ánh Đạo Vàng đang tỏa sáng giữa mùa Xuân:
            “Xuân về rực rỡ thắm vườn hoa
                Muôn sắc bừng lên,ánh sáng lòa
                Mai cúc hồn nhiên khoe sắc mới
                Lan, Hồng e ấp vẻ kiêu sa
                Gió hôn nhẹ lưởt làn môi mọng
                 Sương đậu lung linh giọt chẳng nhòa
                 Ong bướm gọi nhau mùa hội tụ
                  Về đây sum họp một mùa hoa “
        Chân thành cám ơn Quý Thi Hữu & Đạo Hữu đã luôn gắn bó & điểm tô cho “ Vườn Hoa Tâm “ Vô Ưu ngày thêm phong phú và luôn là vườn hoa muôn vẻ của tình Thương Yêu & Tình Đạo thắm thiết!  Người giữ vườn xin gởi đến tất cả lời cầu chúc:”THÂN TÂM THƯỜNG AN LẠC TRONG ÁNH ĐẠO VÀNG NHIỆM MẦU BẤT TUYỆT !“
Mang VIên Long

Tin cùng chuyên mục

 
BAN THÔNG TIN TRUYỀN THÔNG
CƠ QUAN CỦA GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM TỈNH ĐAK LAK
  Tổng biên tập: HT. Thích Châu Quang
Chịu trách nhiệm nội dung: ĐĐ. Thích Nguyên Huấn
  - Văn phòng: 117 Phan Bội Châu, TP. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đak Lak.
  - Bài viết xin gởi về theo địa chỉ Email: phatgiaodaklak@gmail.com
  - Ghi rõ nguồn phatgiaodaklak.org khi bạn phát hành lại thông tin từ Website này.
Email của VP. Ban Trị Sự - Nơi tiếp nhận các văn bản, giấy tờ hành chánh Giáo Hội
vpbtsphatgiaodaklak@gmail.com