210 543
Tự Viện » Thị Xã Buôn Hồ
Chia sẻ với bạn bè qua:
Admin. 07:30:08 06-12-2016 (GMT+7).
Kích cỡ chữ: Giảm Tăng

Đăk Lăk: Lịch sử Tịnh xá Ngọc Chơn tọa lạc tại TX.Buôn Hồ

Đăk Lăk: Lịch sử Tịnh xá Ngọc Chơn tọa lạc tại TX.Buôn HồTịnh xá Ngọc Chơn tọa lạc tại đường Hùng Vương – TDP 4 – phường Thiện An – TX. Buôn Hồ - Tỉnh Đăk Lăk. Với diện tích 6255m2.
  • Địa điểm: đường Hùng Vương – TDP 4 – phường Thiện An – TX. Buôn Hồ
  • Năm Khai Sơn: 1992
  • Người Sáng Lập: Ni trưởng Thích Nữ Cảnh Liên
  • Trụ trì hiện nay: Ni sư Thích Nữ Lãnh Liên
  • Hệ Phái: Bắc Tông
  • Các năm trùng tu: 2002, 2007, 2012
  • Điện Thoại: 0976.228.092

Năm 1992, Ni trưởng Cảnh Liên (trụ trì Tịnh xá Ngọc Túc, huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai) đã đến đây hành đạo, lúc bấy giờ đời sống cư dân tại địa phương còn rất nhiều khó khăn. Năm 1996, được sự chứng minh của chư Tôn Đức trong Giáo đoàn III – Hệ phái Khất sĩ, Ni trưởng bổ nhiệm Ni sư Lãnh Liên về trụ trì Tịnh xá Ngọc Chơn.
Trong giai đoạn này, Ni chúng có 19 vị, trong đó Tỳ-kheo-ni 8 vị, Sa-di có 3, tiểu điệu 8, và hiện nay có một Ni đang học chương trình Phó Tiến sĩ tại trường Đại học Gotama, Ấn Độ; một Ni đang học chương trình Cao học Phật học tại Miến Điện, 2 Ni đang học Trung cấp Phật học, TP. HCM.
Năm 2002, Ni sư Lãnh Liên cho xây dựng một chánh điện nhỏ để có chỗ Phật tử về tụng kinh, cúng ông bà và làm vài cốc gỗ nhỏ hai bên cho chư Ni. Từ năm 2004 trở đi, Ni chúng và Phật tử về tu học ngày càng đông, nên năm 2007, Ni sư cho xây dựng hai dãy nhà Tăng và nhà Ni. Năm 2012, Ni sư và Ni chúng cố gắng khai móng xây dựng chánh điện, thiền đường. Dự kiến đến cuối năm 2016, công trình sẽ hoàn tất.
Nét văn hoá đặc trưng:
Bước vào cổng của tịnh xá chúng ta sẽ gặp hai câu đối:
Tịnh xá tiếp đèn thiền vô lượng chúng sanh về bến giác,
Ngọc Chơn khêu đuốc tuệ vô biên hàm thức thoát bờ mê”.
Cổng tam quan được xây theo kiểu tứ trụ, hai trụ giữa cao hơn hai trụ bên chia thành ba lối đi. Phía trên nối liền bốn trụ là xà cách điệu làm trán cổng. Trên cổng tam quan, có bốn bức phù điêu mô tả Tứ động tâm xứ. Đó là bốn thánh tích thiêng liêng của Phật giáo ghi dấu bốn sự kiện trọng đại trong cuộc đời và sự nghiệp hoằng hoá của đức Phật Thích-ca.
Kiến trúc chánh điện kết hợp phong cách cổ kính và hiện đại, tuy nhiên nét đẹp truyền thống của Hệ phái Khất sĩ vẫn được giữ nguyên. Tầng trệt là Thiền đường – nơi thực tập thiền quán hoặc thuyết pháp. Bên trong thờ đức Bổn sư, và trên tường mặt ngoài thiền đường có các bức phù điêu mô tả cuộc đời đức Tổ sư. Bên trong thiền đường có 10 bức tranh phù điêu Chăn trâu đính kèm khổ thơ tiếng Việt.

Trên lầu, nóc tháp có mười ba tầng tượng trưng cho 13 nấc thang tiến hóa tâm linh của chúng sinh hữu tình và trên chóp là đuốc sen – Biểu tượng của Hệ phái Khất sĩ. Xung quanh tường bên ngoài và những bức phù điêu chạm trổ công phu mô tả cuộc đời của đức Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni. Bên trong, phía trước là Đại Hùng Bảo Điện hình Bát giác tượng trưng ý pháp Bát Chánh Đạo, cổ lầu Tứ giác tượng trưng Tứ Điệu Đế, Bốn cột lớn tượng trưng cho Tứ chúng cùng tu học trong ngôi nhà Phật pháp và dưới mỗi trụ có hình hoa sen đỡ chân nhắc nhở người con Phật rằng:
Hồng hồng bạch bạch thuỷ trung liên,
Xuất ố nê trung sắc chuyền liên,
Hành trực ngẫu không, bổng hựu thục,
Tu hành diệu lý khắp như nhiên”.
Dịch:
Sen nở trong đầm đỏ trắng phơi,
Bùn nhơ không nhiễm sắc thêm tươi,
Thân ngay, ngó rỗng, gương đầy hột,
Cái lý tu hành cũng thế thôi”. 


Phía sau Đại Hùng Bảo Điện là nhà thờ Tổ và chư vị đức Thầy. Không gian phía sau là Nhà thờ Cửu huyền, chính giữa là bàn thờ Tam thế Phật, hai bên là bàn thờ Hương linh nam và Hương linh nữ. Đối diện bàn thờ Tam thế Phật là bức phù điêu lớn mô tả hạnh hiếu của tiền thân đức Phật Thích-ca.
Bên phải chánh điện từ ngoài nhìn vào là nhà Tăng và bên trái là nhà Ni. Ngày 12 tháng 2, năm Bính Thân (2016), Ni sư trụ trì tổ chức khóa tu 2 ngày “Hạnh lắng nghe”, sau đó tôn trí tượng đức Quán Thế Âm Bồ-tát cao 7m được chạm đẽo từ khối đá kim sa. Phía sau Ngài là Ngũ hành sơn cao 12 m, trước núi là hồ sen, trong núi xây nhiều phòng nhỏ làm nơi nhập thất của chư Ni.

Nhà Tăng

Nhà Ni
Tôn tượng Quan Thế Âm Bồ Tát
Mỗi năm, chư Ni tại Tịnh xá đều mở khóa tu 10 ngày, 7 ngày hoặc khóa tu Một ngày An lạc, khóa tu Bát quan trai, khóa tu Sống chung tu học cho chư Ni Giaó Đoàn III, khóa tu Sa-di Tập sự... Bên cạnh việc tu hành, chư Ni còn làm công tác từ thiện giúp đỡ các gia đình khó khăn, tặng quà cho thiếu nhi vào dịp Tết Trung Thu...
Giữa cuộc sống vội vã ngày nay, Tịnh xá Ngọc Chơn là nơi an trú tâm linh của quý Phật tử và người dân huyện Buôn Hồ, Đăk Lăk. Về đây chúng ta mới cảm nhận được một không gian trong lành của đất trời cao nguyên, mới cảm nhận được sự tĩnh lặng bình yên trong tiếng chuông, lời kinh, tiếng kệ. 

Ban Văn Hoá & Thông Tin Truyền Thông Phật Giáo Tỉnh Dak Lak
Chia sẻ với bạn bè qua: